Trời se lạnh, TP HCM đêm 30 Tết dòng người từ khắp nơi đổ về khu vực trung tâm để chào đón giao thừa. Không khí mừng xuân Giáp Ngọ tại Hà Nội, Đà Nẵng và các địa phương khác cũng diễn ra tưng bừng.

Tại TP HCM, thay cho cái vắng vẻ của vài giờ trước đó, trời vừa sẩm tối, nhiều tuyến đường dẫn từ các quận đổ vào khu trung tâm đã bắt đầu đông nghịt. Phần lớn khách du xuân là bạn trẻ hoặc những cặp vợ chồng con cái chở nhau bằng xe máy. Hơn 20h, trục đường Đồng Khởi, Lê Duẩn, Lê Lợi, khu bến Bạch Đằng quanh điểm bắn pháo hoa hầm Thủ Thiêm gần như chật kín.

Đường hoa Nguyễn Huệ chật kín người trong đêm giao thừa. Ảnh: Thiên Chương.

Dạo bước dưới trên đường Lê Lợi lung linh đèn hoa, nhóm bạn trẻ Tân – Hiệp – Mai đến từ quận 12 cho biết, 5 năm nay, Tết nào cả nhóm cũng xin phép gia đình được vắng mặt trong thời khắc giao thừa để ra phố. “Sài Gòn đêm nay thật đẹp, mấy hôm rồi đọc báo coi tivi thấy đường phố được trang trí nhiều đèn hoa, háo hức chờ đợi mãi giờ mới được chứng kiến tận mắt”, một bạn trong nhóm nói.

Có mặt tại khu vực sân khấu nổi trên kênh Tàu Hủ – Bến Nghé (quận 1), Tuấn Huy và nhóm bạn sinh viên năm 3 ĐH Sư phạm TP HCM cho biết, cả nhóm chọn vị trí này đón giao thừa để được xem ca nhạc mừng xuân ở trên dòng kênh. “Phải đi từ sớm cả nhóm với chen chân đến được khu vực này để vừa được xem ca nhạc, vừa được thưởng thức pháo hoa từ phía đầu cầu Thủ Thiêm. Cảm giác thật tuyệt”, cô bạn của Tuấn Huy nói.

Ảnh người Sài Gòn chen chân xem pháo hoa mừng năm mới

Rộn ràng và nhộn nhịp hơn cả là khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, một giờ trước giao thừa, con đường kéo dài gần một cây số rợp màu sắc của của 90.000 chậu hoa vẫn đông kín khách tham quan. Lần đầu đến TP HCM đón Tết, anh Hữu Thuận quê Thanh Hóa và vợ con cứ mê mẩn ngắm rồi chụp ảnh tại đường hoa suốt hơn hai giờ.

“Rất tuyệt vời. Xem mãi không chán, các bé thích lắm. Bình thường giờ này ở nhà chúng đã ngủ, thế mà hôm nay miệng cứ líu lo, hết ngắm tiểu cảnh làng quê Việt Nam với đồng lúa xanh rờn lại đòi bố đưa đến chụp ảnh ở cảnh 5 chú ngựa kéo cỗ xe hoa đồng hồ”, anh Thuận nói.

Không chỉ tập trung ở khu vực đường hoa, trong khí trời se lạnh của đêm giao thừa mà nhiều năm qua chưa từng có, nhiều người Sài Gòn khoác áo ấm khăn len tập trung ở khu vực Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà văn hóa thanh niên, công viên Tao Đàn. Họ cùng nhau đi bộ thành từng tốp nhìn ngắm nhìn đường phố rực rỡ ánh đèn, hay chăm chú xem những ông đồ viết câu đối đỏ.

Càng về khuya đường phố Sài Gòn càng náo nhiệt và khi kim đồng hồ dần nhích về 0h, khu vực Bến Bạch Đằng (quận 1) càng đông người đổ về xem pháo hoa. Bên kia sông Sài Gòn, khu dân cư Thủ Thiêm (quận 2) ngày thường vốn yên ắng thì nay trở nên náo nhiệt tưng bừng. Nhiều nhóm bạn trẻ đứng cạnh nhau vừa nhìn đồng hồ vừa đồng thanh đếm ngược rồi hò reo và vỗ tay khi những chùm pháo lần lượt nở hoa trên bầu trời.

Cùng với khu trung tâm, không khí đêm giao thừa ở Sài Gòn dễ thấy tại các ngôi chùa lớn. Từ chiều 30 Tết, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn cầu Nguyễn Văn Trỗi đã tấp nập người đến viếng. Tương tự, chùa Xá Lợi trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Việt Nam Quốc Tự ở quận 10 đến tận nửa đêm vẫn nghi ngút hương khói của phật tử đến xin lộc và cầu mong cả năm mới được bình an.

Không tụ tập xem pháo hoa, cũng không viếng chùa, một số người Sài Gòn lại có cách đón giao thừa rất riêng. Họ chuẩn bị nhiều phần quà nhỏ, bên trong có phong bao lì xì rồi đèo nhau trên xe máy, rong ruổi trên các tuyến phố. Nhác thấy bóng dáng của người cơ nhỡ phải sống gầm cầu, vỉa hè, các bạn lại đến tặng quà.

“Sẽ không còn gì ý nghĩa hơn khi làm việc tốt ngay trong đêm đầu năm mới. Mang lại niềm vui cho người có hoàn cảnh khó khăn trong thời khắc giao thừa cũng chính là mang lại niềm vui cho bản thân mình. Tôi rất thích việc làm này”, Thanh Tùng nhà ở quận 7 nói.

Tại Hà Nội, 22h, điểm bắn pháo hoa ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đông nghẹt người. Những đôi trai gái dựng xe, tay trong tay trò chuyện. Nhiều gia đình đưa nhau đi đón giao thừa sau khi cùng ăn bữa cơm tất niên.

Dòng người ngắm pháo hoa bên Hồ Gươm

Chơi thân 5 năm nhưng đây là lần đầu tiên nhóm bạn của Lê Thanh Tâm và Nguyễn Phương Thảo (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và ĐH Điện lực) cùng đón giao thừa. Nói về điều ước trong năm mới, cả bốn bạn cùng mong rằng tình bạn sẽ thêm thắm thiết, học giỏi và đạt nhiều thành công.

Cùng cả nhà xem pháo hoa ở Mỹ Đình, anh Trần Hữu Thịnh (phố Linh Lang) hồ hởi nói: “Thắng lợi nhất là năm nay cả nhà dồi dào sức khỏe, nhiều may mắn, hai vợ chồng chuyển việc thành công. Năm mới, anh cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình và đất nước.

Tại Đà Nẵng, hàng nghìn người dân đổ ra hai bên bờ sông Hàn háo hức chờ đợi những màn pháo hoa trong năm mới trong tiết trời se lạnh. Tiếng nổ đùng đoàng của pháo hoa đúng thời điểm chuyển giao của năm mới khiến những em bé được bố mẹ cho đi chơi hò reo thích thú. Người lớn bắt tay cầu chúc nhau những điều an lành, trong khi những cặp tình nhân trao nhau nụ hôn đúng thời khắc thiêng liêng.

Từ Hà Nội vào thành phố biển đón Tết, Ngọc Anh (22 tuổi, sinh viên Học viện Ngân hàng) cho biết đây là năm đầu tiên cô ăn tết xa nhà, khi quyết định vào du lịch Đà Nẵng và đón tết cùng nhà người quen.

Ảnh vũ điệu pháo hoa chào năm mới bên sông Hàn

“Năm mới em nguyện ước niềm vui, an lành cho tất cả mọi người. Em cũng muốn sẽ được sinh sống và làm việc ở thành phố trẻ này, và hy vọng một ngày không xa Đà Nẵng sẽ phát triển như Hong Kong hay Sigapore”, cô nữ sinh tâm sự.

Theo Ngọc Anh, bạn bè của cô ở nước ngoài vẫn chưa mường tượng ra thành phố Đà Nẵng đẹp, sạch sẽ và thơ mộng, và cô sẽ kể cho bạn bè nghe về nơi này. Nhận định về không khí tết ở Đà Nẵng, Ngọc Anh chia sẻ rằng tết ở đây đơn giản hơn Hà Nội nơi cô sống, nhưng người dân lại rất thích chơi hoa, minh chứng là nhà nào cũng mua rất nhiều loại hoa về trưng bày dịp Tết Nguyên đán.

Phao-hoa-Da-Nang-4-4781-1391105966.jpg
Pháo hoa rực sáng bên sông Hàn ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dáng người nhỏ nhắn, Thanh Hà (22 tuổi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết do học ở Sài Gòn nên 4 năm qua cô chưa có dịp xem pháo hoa tại quê nhà. Năm nay thành phố không chặn đường hay cấm xe nên mọi người đều được đứng trên cầu để xem thành phố lung linh sắc màu trong đêm giao thừa. “Đà Nẵng có tiềm lực về du lịch. Em hy vọng thành phố sẽ phát triển đúng hướng với tiềm năng hiện có”, cô nói.

Tiếng cười giòn tan của bà Lê Thị Phước (58 tuổi, quê Hải Lăng, Quảng Trị) khi không rời mắt khỏi những tràng pháo hoa gây sự chú ý của nhiều người. Vào Đà Nẵng ăn Tết cùng con trai nên bà lần đầu tiên được xem pháo hoa. “Quá đẹp, tận mắt nhìn những loạt pháo bắn ra và nở bong trên bầu trời thật tuyệt vời”, bà nói.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: