Tổng thống Ukraine nói sẽ cho ‘tổ chức bầu cử sớm’ sau khi thỏa thuận hòa bình đổ vỡ và cũng chưa rõ phe đối lập có quan điểm ra sao.
Tổng thống Viktor Yanukovych nói ông đồng ý về một chính phủ đoàn kết dân tộc và sửa hiến pháp, hạn chế quyền của tổng thống.
Bước nhượng bộ này được Phủ Tổng thống nêu ra sau nhiều giờ đàm phán với phe đối lập.
Tuy thế, cũng không rõ phe đối lập có ủng hộ thỏa thuận này không.
Muốn hết khủng hoảng
Trước đó không lâu, chính Tổng thống Ukraine nói ông đã đạt được thỏa thuận với phe đối lập nhằm chấm dứt khủng hoảng, sau một cuộc họp kéo dài suốt đêm do ba Ngoại trưởng châu Âu làm trung gian.
Tuy nhiên Ngoại trưởng Pháp tỏ ra dè dặt, nói thỏa thuận trên chưa được thực sự ký kết.
Sáng thứ Sáu 21/2, phe đối lập đã không đến ký kết thỏa thuận này theo giờ hẹn mà chỉ có Phủ Tổng thống nêu ra.
Hôm thứ Năm 20/02, các Ngoại trưởng châu Âu cho biết sẽ áp dụng cấm vận lên một số quan chức cấp cao của Ukraine, bao gồm đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh, sẽ được áp dụng “khẩn cấp”.
Hoa Kỳ cũng cảnh báo Kiev sẽ hành động ngay sau khối châu Âu.
Trong cùng ngày thứ Năm, ngoại trưởng Pháp, Ba Lan, và Đức đã giành nhiều giờ để bàn với ông Yanukovych về “kế hoạch tiến tới giải pháp chính trị” trước khi tiếp tục thảo luận với lãnh đạo phe đối lập.
Nhưng tình trạng đối đầu căng thẳng vẫn tiếp tục, nhiều người biểu tình vẫn đang trấn thủ sau rào chắn tại trại biểu tình chính trên Quảng trường Độc lập, còn được gọi là Maidan, để đề phòng đợt tiến công mới của cảnh sát.
Hàng chục người biểu tình chống chính phủ đã thiệt mạng tại Kiev hôm thứ Năm 20/2. Nhiều người khác bị cho là đã trúng đạn của lính bắn tỉa.
Tổng cộng 75 người, trong đó có các nhân viên cảnh sát, đã thiệt mạng kể từ hôm thứ Ba 18/2.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế nước này nói 571 người khác đã bị thương sau ba ngày bạo lực tại thủ đô Ukraine, tuy nhiên các nhà hoạt động cho rằng con số thương vong có lẽ còn cao hơn.
Những người biểu tình đã bắt giữ 67 cảnh sát, theo thông báo từ Bộ Nội vụ. Vài người trong số này sau đó đã được trả tự do.
‘Thất vọng’
“Không gì có thể biện hộ cho sự đàn áp mà chúng ta đang chứng kiến,” thông cáo chung của các ngoại trưởng EU hôm 20/2 có đoạn.
Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, Catherine Ashton, nói “trách nhiệm hàng đầu” của Tổng thống Viktor Yanukovych lúc này là đưa hai bên quay trở lại bàn đàm phán.
Trả lời báo chí sau cuộc gặp khẩn cấp của các ngoại trưởng EU ở Brussels, bà nói các ngoại trưởng đã thể hiện sự “thất vọng” trước những diễn biến bạo lực mới nhất và đã đồng ý ngưng bán các “phương tiện dùng để đàn áp” cho Kiev.
Những biện pháp này được đưa ra vì “tình hình hiện nay tại Ukraine,” bà nói thêm.
EU cho đến trước đó vẫn tránh áp đặt các lệnh cấm vận để ưu tiên cho đối thoại và sự thỏa hiệp.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố cấm nhập cảnh đối với 20 thành viên chính phủ Ukraine, nhưng không nêu tên cụ thể.
Tối thứ Năm 20/2, Phó Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo Tổng thống Yanukovych trong một cuộc điện đàm rằng Washington sẵn sàng áp đặt lệnh cấm vận đối với quan chức Ukraine nào hạ lệnh cho binh lính bắn vào người biểu tình.
Đạn thật
Hàng chục người biểu tình ở thủ đô Kiev đã bị lực lượng an ninh bắn chết sau khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ một ngày trước đó.
Các nhà hoạt động và nhân viên y tế ở Maidan cho rằng số người chết có thể lên đến 100 người hoặc cao hơn.
Một số thi thể của những người bị giết chết hôm 20/2 đã được đưa đến Quảng trường Độc lập, tâm điểm của phong trào biểu tình, phóng viên BBC tại Kiev, Duncan Crawford, cho biết.
Những đám đông tụ tập quanh đó hô to: “liệt sỹ”, “anh hùng”, nhiều người trong số họ đã rơi nước mắt, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Nhiều nhân chứng nói với BBC các nạn nhân thiệt mạng hôm thứ Năm do vết thương từ loại đạn giống với đạn súng bắn tỉa.
Những đoạn video được đăng tải trên mạng cho thấy các tay súng bắn tỉa đang nhắm vào những người biểu tình tìm cách chiếm lại Quảng trường Độc lập.
Chính quyền nói một cảnh sát đã thiệt mạng, 20 cảnh sát khác bị thương, trong khi một nhà hoạt động nói khoảng 10 cảnh sát đã bị giết chết.
Các nhân chứng cho biết đạn thật, bom xăng và vòi rồng đã được sử dụng trong cuộc đụng độ vào sáng 20/2 tại Quảng trường Độc lập.
Một số người biểu tình được trang bị vũ khí cũng đã nổ súng về phía lực lượng an ninh.
Đạn đã bắn xuyên qua cửa kính nhiều căn phòng ở Khách sạn Ukraine, nơi tập trung các phóng viên nước ngoài ở Kiev, trong đó có BBC.
Trước đó, hàng chục người biểu tình đã sử dụng tiền sảnh của khách sạn này làm trạm y tế dã chiến, một linh mục cũng đã có mặt ở đây, phóng viên của BBC tại hiện trường, Kevin Bishop, cho biết.
Nhiều người biểu tình, một số được trang bị vũ khí, đã xin chăn mền từ du khách ở khách sạn để băng vết thương.
Quốc hội tranh cãi
Một thông cáo từ trang web chính thức của tổng thống Ukraine đổ lỗi cho phe đối lập đã khơi mào bạo lực, và nói “lời kêu gọi lệnh ngừng bắn thực chất chỉ là câu giờ của Maidan nhằm huy động lực lượng và cung cấp vũ khí cho dân quân.”
Các nghị sỹ đã bỏ phiếu lên án tình trạng bạo lực trong phiên họp Quốc hội vào chiều 20/2.
Họ cũng kêu gọi việc cấm sử dụng vũ khí nhằm vào người biểu tình và rút lui lực lượng cảnh sát đang được triển khai để trấn áp biểu tình.
Phiên họp chỉ có sự tham gia của 239 trên 450 nghị sỹ, phần lớn là từ các đảng đối lập. Tuy nhiên cũng có khoảng vài chục người từ Đảng Khu vực của Tổng thống Yanukovych.
Trước đó, các ngoại trưởng của Pháp, Ba Lan và Đức đã có cuộc nói chuyện với ông Yanukovych về “hành trình hướng đến một giải pháp chính trị”, trước khi đối thoại với các lãnh đạo phe đối lập.
Các ngoại trưởng từ ba nước sau đó đã quay trở lại thảo luận với ông Yanukovych vào tối thứ Năm.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói ông Yanukovych đã tỏ ý sẵn sàng tiến hành một cuộc bầu cử sớm trong năm nay.
Các cuộc biểu tình nổ ra hồi tháng 11 năm 2013, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký kết thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với EU vì muốn giữ quan hệ mật thiết với Nga.
Kể từ đó, làn sóng biểu tình đã lan ra khắp Ukraine, với yêu cầu chính từ người biểu tình là tái bầu cử tổng thống và Quốc hội.