Nga hy vọng hướng đông, đặc biệt là với Trung Quốc, sau khi bị phương Tây cô lập, nhưng Bắc Kinh còn nhiều do dự bởi không muốn làm xấu đi quan hệ với Mỹ và EU.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du đến Moscow của ông Tập năm 2013. Ảnh: Reuters

Khu tự trị Yamal-Nenets thuộc miền tây bắc nước Nga là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất, từ khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây ngày càng căng thẳng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Đây là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu Nga và chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu.

“Trung Quốc nói với chúng tôi rằng hãy bán khí đốt cho họ. Đối với họ việc tìm ra một đối tác có thể cung cấp khí đốt trong 200 năm là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi có thể làm được điều này”, ông Dmitry Kobylkin, trưởng khu tự trị, lạc quan cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, Nga bắt đầu chuyển sự chú ý của mình sang phía đông, đặc biệt là Trung Quốc, bởi nền kinh tế nước này chịu áp lực lớn từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sau sự kiện sáp nhập Crimea hôm 18/3.

“Châu Á-Thái Bình Dương là trung tâm tăng trưởng kinh tế thế giới”,Financial Times dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev cho biết. “Nhưng cho đến hiện nay, việc phát triển quan hệ hợp tác giữa chúng tôi và khu vực vẫn chưa đủ tích cực”.

Tổng kim ngạch mậu dịch năm 2013 của Nga với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt 150 tỷ USD, chỉ bằng 30% so với châu Âu. Cho đến cuối năm 2012, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga đạt 496 tỷ USD, trong đó ba quốc gia Đông Á trên chỉ có 6,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ thay đổi sau khi khủng hoảng Crimea bùng phát. “Trong nhiều năm qua, Tổng thống Vladimir Putin luôn nói về chiến lược hướng về phía đông. Cuộc khủng hoảng Ukraine là động lực để thúc đẩy chiến lược trên”, ông Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga, cho biết.

Quan hệ Nga – Mỹ cũng giống như quan hệ Trung – Mỹ, vừa hợp tác vừa cạnh tranh. Moscow phản ứng mạnh mẽ trên vấn đề Ukraine vì lo ngại phương Tây mà đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng vùng ảnh hưởng về phía đông. Còn Bắc Kinh lo ngại chiến lược quay lại châu Á của Washington sẽ cản trở sự trỗi dậy của mình trong vai trò một bá chủ của khu vực.

“Cuộc khủng hoảng tại Ukraine rất có thể sẽ khiến Nga thiên vị hơn cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản”, BBC dẫn lời Giáo sư Vladimir Korsun thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Moscow nhận định.

Giáo sư Thời Ân Hoằng thuộc đại học Nhân dân Trung Quốc lại cho rằng lập trường của Bắc Kinh trên vấn đề Ukraine vẫn “rất độc lập”, bởi lập trường của nước này là ủng hộ “tiến trình giải quyết chính trị, duy trì ổn định và hòa bình tại Ukraine”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chính việc Trung Quốc giữ thái độ trung lập, không gia nhập vào hàng ngũ các nước trừng phạt Nga đã là sự ủng hộ quan trọng với Moscow hiện nay.

“Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đặc biệt cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc và Ấn Độ, thực ra không phản đối chính là sự ủng hộ lớn nhất. Đương nhiên, Nga cũng sẽ phải có những hành động để đáp trả lại những sự ủng hộ đó”, Giáo sư Tôn Hưng Kiệt thuộc đại học Cát Lâm cho biết.

Mặc dù vậy, chiến lược hướng đông của Nga vẫn còn tồn tại những trở ngại lớn. “Vấn đề mà chúng ta thảo luận không hề đơn giản, mà là một sự chuyển đổi chiến lược rất phức tạp. Giới tinh hoa chính trị thích miêu tả Nga là quốc gia kéo dài từ châu Âu đến bán đảo Kamchatka, nhưng họ chưa bao giờ có hứng thú với phần phía đông dãy núi Ural”, ông Mikhail Titarenko, giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông của Nga, bình luận.

Thử thách đầu tiên của chiến lược này là việc thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc của tập đoàn Gazprom có đạt được hay không. Quá trình chuẩn bị kéo dài hơn 5 năm, nhưng gặp trở ngại lớn về giá cả.

“Chúng tôi có thể đưa hợp đồng này vào một gói thỏa thuận lớn hơn, bao gồm việc cho phép Trung Quốc tham gia phát triển nền cơ sở hạ tầng tại Siberia và Viễn Đông”, một quan chức Nga giấu tên tiết lộ.

Cũng chung nhận định trên, ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho biết điều Bắc Kinh mong muốn là mối quan hệ đối tác trên lĩnh vực năng lượng, cho phép họ nắm giữ cổ phần trong các hạng mục liên quan chứ không chỉ là người mua.

Tuy nhiên, Moscow không quá nhiệt tình với viễn cảnh trên, bởi lo ngại Trung Quốc sẽ chiếm thế thượng phong tại khu vực Siberia ít người, đất rộng, giàu tài nguyên.

Bản thân Trung Quốc cũng không muốn vì vấn đề Ukraine mà đứng hẳn về phía Nga, đối kháng với Mỹ. “Trung Quốc hiện rất khó để vừa ủng hộ Nga, mà lại vẫn giữ mối quan hệ tốt với Mỹ và châu Âu, nhưng đây lại chính là điều Bắc Kinh muốn đạt được”, chuyên gia Hoàng Bình thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc đánh giá.

Ngoài ra, vấn đề Crimea cũng động chạm đến nguyên tắc ngoại giao không can thiệp công việc nội bộ mà Trung Quốc luôn khẳng định xưa nay. Cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo này cũng có thể trở thành tiền lệ để những người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ ly khai và đảo Đài Loan đưa ra yêu cầu tương tự nhằm giải quyết mối quan hệ hiện nay với chính phủ trung ương.

“Trung Quốc đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Giới lãnh đạo không thể chấp nhận hậu quả do việc ủng hộ chính quyền Kiev đem lại, nhưng cũng khó lòng ủng hộ chính sách cứng rắn của Nga”, nghiên cứu viên Trần Chí Khiết thuộc Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế, đại học chính trị Đại Loan, phân tích.

Đức Dương

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!