Người biểu tình ở Thái Lan tiếp tục bao vây thêm nhiều bộ của chính phủ tại Bangkok.
Họ muốn chính phủ của bà Yingluck Shinawatra từ chức với cáo buộc chính phủ nằm trong tay người anh trai lưu vong, Thaksin Shinawatra.
Sau cuộc biểu tình lớn hôm Chủ nhật, phe chống đối đã xuống đường ở nhiều nơi tại Bangkok.
Hôm 25/11, người biểu tình đã “đóng trại” tại bộ ngoại giao và bộ tài chính.
Đến cuối ngày thứ Hai, bà Yingluck áp dụng luật đặc biệt cho phép áp đặt lệnh giới nghiêm và phong tỏa đường phố.
Tòa án của Thái đã ra trát bắt cựu nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập Suthep Thaugsuban, người dẫn đầu cuộc biểu tình.
Trong diễn biến mới nhất, người biểu tình đã bao vây bộ nội vụ, du lịch, giao thông và nông nghiệp.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ tháng 10. Chúng bùng phát vì một dự luật ân xá mà có thể dẫn đến sự trở về của anh trai Thủ tướng, ông Thaksin Shinawatra.
Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và bị kết án vắng mặt vì tội tham nhũng năm 2008.
Mặc dù dự luật bị bác bỏ, nhưng các cuộc biểu tình đã đẩy lên thành lời kêu gọi lật đổ chính phủ của bà Yingluck.
Phóng viên BBC Jonathan Head ở Bangkok nói cảnh sát Thái Lan không được đào tạo tốt và e dè trước người biểu tình.
Vì vậy, không rõ làm thế nào chính phủ có thể khẳng định quyền lực tại thủ đô.
Năm 2010 đã chứng kiến bạo lực dữ dội khi phe “áo đỏ”, chống chính phủ của đảng Dân Chủ, chiếm nhiều nơi tại Bangkok.
Hơn 90 người, đa số là thường dân biểu tình, đã chết trong giai đoạn căng thẳng hai tháng.
Chính phủ của bà Yingluck và đảng Pheu Thai sau đó được bầu lên và Thái Lan ở trong tình trạng tương đối ổn định.
Nhưng phe đối lập cáo buộc ông Thaksin “giật dây” chính phủ từ nước ngoài và dự luật ân xá mới đây, dù bị bác bỏ, đã châm ngòi biểu tình.