Polar Star là tàu phá băng chuyên dụng của Mỹ
Một tàu phá băng của Mỹ đang trên đường đến giải cứu hai tàu của Nga và Trung Quốc hiện giờ đang bị mắc kẹt trong băng ở Nam Cực.
Tàu Polar Star được yêu cầu cắt một lối đi để giải thoát cho tàu Tuyết Long và Akademik Shokalskiy, lực lượng tuần duyên của Mỹ cho biết.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Tàu phá băng Tuyết Long cũng bị kẹt sau khi giải cứu được 52 hành khách bị mắc kẹt trên tàu Akademik Shokalskiy hôm thứ Năm ngày 3/1.
Con tàu nghiên cứu của Nga này đã bị kẹt từ ngày 24/12.
Yêu cầu trợ giúp
Trước đó, giới chức Úc và chính quyền Nga và Trung Quốc đã có yêu cầu nhờ Mỹ trợ giúp, thông cáo của lực lượng tuần duyên Mỹ cho biết.
“Ưu tiên cao nhất của chúng tôi là an toàn sinh mạng trên biển, đó là lý do chúng tôi đang giúp đỡ tạo một lối di chuyển cho hai con tàu bị mắc kẹt này,” phó Đô đốc Paul Zukunft, tư lệnh Tuần duyên Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
Tàu Polar Star, vốn là tàu phá băng chuyên dụng, đã rời Sydney hôm 5/1 và dự kiến sẽ đến nơi trong vòng một tuần lễ, theo Cơ quan An toàn Hàng hải Úc (Amsa).
Polar Star đi giải cứu sau khi Tuyết Long xác nhận rằng họ cũng bị mắc kẹt sau khi thực hiện sứ mạng giải cứu các hành khách trên tàu Akademik Shokalskiy.
Tàu Polar Star có chiều dài 120 mét với tốc độ tối đa 18 hải lý. Nó đã buộc phải tạm ngưng công việc phá băng tạo một lối đi để tiếp tế cho trạm nghiên cứu Nam Cực của Mỹ đặt ở Đảo Ross để đi giải cứu các tàu mắc kẹt.
Hôm thứ Năm ngày 2/1, trực thăng từ tàu phá băng có tên là Tuyết Long của Trung Quốc đã giúp chuyển 52 hành khách từ con tàu mắc kẹt Akademik Shokalskiy của Nga sang tàu Aurora Australis của Úc.
Hiện tại hầu hết thủy thủ đoàn người Nga vẫn ở lại trên tàu Akademik Shokalskiy cho đến khi tàu hết mắc kẹt.
Con tàu nghiên cứu này đã mắc kẹt trong những tảng băng dày do gió mạnh thổi đến nằm cách Hobart 1.500 hải lý về phía Nam.
Con tàu đang được Hội thám hiểm Nam Cực của Úc sử dụng trong năm 2013 để đi lại tuyến đường mà nhà thám hiểm Douglas Mawson đã đi một thế kỷ trước đây.
Do băng quá dày mà một số tàu phá băng cũng không thể phá được, trong đó có Tuyết Long, Aurora Australis và tàu Pháp L’Astrolabe.
Hành khách trên tàu cho biết tàu có dự trữ thức ăn rất nhiều nên họ không gặp nhiều nguy hiểm.
Hiện tại trên tàu Tuyết Long có 111 người và trên tàu Shokalskiy còn 22 thành viên thủy thủ đoàn.
Trong lúc này, Giáo sư Chris Turney, nhà đồng lãnh đạo của Hội thám hiểm Nam Cực Úc, đã biện hộ cho ý nghĩa khoa học của chuyến thám hiểm này và bác bỏ những ý kiến rằng đây là một ‘chuyến du lịch’ được chuẩn bị không kỹ.
Ông cho rằng con tàu bị mắc kẹt là do ‘không may’ chứ không phải do ‘lỗi con người’.