(Bài nói chuyện trong buổi giới thiệu bản dịch Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân của GS Ðàm Quang Hưng – St. Paul, Minnesota, 18 tháng 5, 2013)

Mấy tháng trước khi giới thiệu thơ Cung Trầm Tưởng cùng quý vị, tôi đã nói rằng: “Chúng ta may mắn nói tiếng Việt Nam, bởi vì tiếng Việt đơn âm và giầu thanh điệu. Những nguyên âm với 5 dấu giọng; Sắc-Huyền-Hỏi-Ngã-Nặng, một âm tiếng chẳng những thay đổi ý nghĩa mà còn chuyển nhạc điệu. Tiếng Việt lại còn giầu trong cách diễn tả, cùng một ý mà có nhiều cách diễn tả khác nhau, bằng nhiều tĩnh tự khác nhau, mang theo những âm điệu khác nhau, gợi lên những hình ảnh khác nhau và cũng vì thế mang nhiều cường độ khác nhau. Những chữ kép còn hoán chuyển vị trí, gợi lên những ý tình, những cung bậc khác nhau, như thiết tha và tha thiết, say đắm và đắm say, ngơ ngẩn và ngẩn ngơ, quên lãng và lãng quên, ai dám nói rằng cảm thông đồng nghĩa với thông cảm. Ðổi dấu giọng lại cũng đổi hẳn nghĩa, ví dụ: ngơ ngẩn và ngớ ngẩn, thẩn thơ và thẫn thờ…

Vì thế tiếng Việt là một ngôn ngữ của thơ, vì thế người nói tiếng Việt nào cũng yêu thơ, đọc thơ, làm thơ. Những thi sĩ chẳng những có nhiều vần điệu, có nhiều tĩnh tự, nhiều cách diễn tả khác nhau để sử dụng mà lại còn nhiều vật liệu để tạo ra nhiều cách diễn tả giầu hình ảnh, giầu nhạc điệu khác nhau, du dương hơn, xoáy động hơn.

Thật vậy, tiếng Việt là ngôn ngữ của thơ và thơ cũng làm phong phú, huy hoàng thêm tiếng Việt. Những hình ảnh, những nhạc điệu, những cách biểu lộ tình ý, đã đi từ thơ vào tiếng nói hàng ngày. Có những hình ảnh, những biểu lộ một thi sĩ sang tạo ra, ngày hôm sau được người Việt dùng ngay trong câu nói.

Không phải vô tình mà 80 năm trước Phạm Quỳnh đã nói: “Truyện Kiều còn, thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.” Muốn hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này, hãy xem lại những ảnh hưởng của chất thơ, của chữ dùng, của hình ảnh, của ý tưởng của truyện Kiều vào tiếng Việt. Ảnh hưởng đến từ nhiều năm làm cho ta quên mất nguồn xuất phát của ảnh hưởng đó, cho nên ngay cả những người chưa hề đọc truyện Kiều cũng dung mà không hề biết. Những ảnh hưởng đó có khi là từ sự sáng tạo của Nguyễn Du, cũng có khi Nguyễn Du mang từ tục ngữ, ca dao Việt Nam vào, cũng có khi là do Nguyễn Du mượn từ thơ văn cổ Trung Hoa, nhưng nếu không có cái tài làm thăng hoa những hình ảnh, những ý tưởng đó thì chẳng ai biết đến.

1. Tôi thích Truyện Kiều vì ảnh hưởng của lời thơ Truyện Kiều vào tiếng Việt

Có khi chúng ta chỉ mượn một vài chữ từ truyện Kiều để nói, như: “mặt dạn mày dày,” hay “phận bèo mây,” “lầu xanh,” “dở tỉnh dở say,” “quyến gió rủ mây,” “xa chạy cao bay,” “tơ lòng,” “đau đứt ruột,” “nửa chừng xuân,” “đèo bòng,” “xa chạy cao bay,” “kiến bò miệng chén,” “mèo mả gà đồng,” “thân gái dặm trường”…

Có khi dùng một câu, như:

“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”
Hay: “Cho hay muôn sự tại trời”
hay: “Ðàn bà dễ có mấy tay”
hay “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”
hay “Trơ như đá, vững như đồng”
hay “Chưa vui sum họp, đã sầu chia phôi”
hay “Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”

Có khi ta dùng hai câu:

“Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

Hay:

“trăm năm tính cuộc vuông tròn
phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông

Hay:

“Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ”

Hay:

“có trời mà cũng tại ta
Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”

Những hình ảnh, những biểu tượng, những ý tình đi vào tiếng nói hàng ngày, trở nên tự nhiên.

Khi ta nói “lầu xanh,” “Tú Bà” ai cũng biết đó là nơi nào, đó là người làm công việc gì, nhưng không nhớ rằng trước khi truyện Kiều trở nên phổ thông, thì người ta không nói thế.

Khi nghe nói về một chàng trai là: Sở Khanh, thì ai cũng hiểu tâm tính, phong cách của anh ta ra sao.

Khi nói về kẻ khác là “lũ khuyển ưng” thì dù chưa đọc truyện Kiều, người ta cũng biết ngay đó là loại người gì
Muốn nói ai đó sợ vợ, người ta gọi anh ta là Thúc Sinh.

2. Tôi thích truyện Kiều vì những lời thơ đầy hình ảnh đẹp, đầy ý tình thiết tha, đầy nhạc điệu réo rắt, thay đổi không ngừng.

Hãy đọc lại vài câu:

Tả cảnh mùa xuân thì:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Hai câu thơ nhẹ nhàng, giản dị, đọc thoáng thì chưa thấy hay. Nhưng đọc lại lần nữa, nếu cần thì nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy hình ảnh mùa xuân an bình, trong sáng, đẹp như một bức tranh đẹp. Nói về ý, tình, hình ảnh, nhạc điệu, và cách dùng chữ của hai câu này riêng thôi, cũng phải cần hàng giờ. Ví dụ nếu viết là “cành lê điểm trắng…” thì tầm thường, mà viết là “cành lê trắng điểm…” là kỳ tuyệt…

Tả cảnh mùa thu thì:

“Rừng phong thu đã nhuộm mầu quan san”

Hay như câu:

“Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
Sè sè nấm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”

Hai câu trên vẽ nên cảnh nên thơ, nhưng tĩnh lạnh, hai chữ “nao nao” như khe khẽ báo trước một nỗi niềm gì đó sẽ đến. Hai câu sau tiếp lời, vẽ ra cảnh cô đơn, hoang phế, tàn tạ của một nấm mồ vô chủ.

Ðọc những câu tả Kim Trọng, với vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn của một thư sinh khi gặp Thúy Kiều lần đầu tiên, ta mới hiểu vì sao Thúy Kiều yêu chàng ngay:

“Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Ðề huề lung túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha mầu áo nhuộm non da trời”

Khi tả Thúy Kiều, thì mỗi lúc mỗi nơi cũng đều là hình ảnh đẹp của lúc đó.

Khi còn thơ ngây:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
một hai nghiêng nước nghiêng thành
sắc đành đòi một, tài đành họa hai”

Khi tả Thúy Vân thì Nguyễn Du tả một vẻ đẹp đoan trang, hiền dịu mà “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da,” nhưng với Thúy Kiều thi Nguyễn Du tả vẻ đẹp mặn mà, sắc sảo mây, tuyết không chỉ “nhường” cho vẻ đẹp mà sắc hoa, dáng liễu phải ghen tức.

Ðến khi lâm nỗi đoạn trường, cách Nguyễn Du tả vẻ đẹp của thân hình Thúy Kiều, làm tất cả các khách mày râu sôi máu, nóng người:

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”

Khi gặp Thúc Sinh thì:

“Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió, càng mưa càng nồng”

Nhưng vì ở với Thúc Sinh mà bị mẹ Hoạn Thư bắt cóc về, thì bà vợ quan Thượng Thư bộ Lại mắng như sau:

“Quân này chẳng phải thiện nhân
chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng
Ra tuồng lúng túng, chẳng xong bề nào”

Hoạn Thư tuy ghen ngầm, hành xử sâu độc, nhưng trong lòng vẫn coi Thúy Kiều là:

“rằng: tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giàu sang
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bể trần chìm nổi thuyền quyên
Hữu tài thương nổi vô duyên lạ đời”

Và:

“Khen rằng: bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Ðình nào thua
Tiếc thay lưu lạc giang hồ
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài”

Thật sự Hoạn Thư không ghen với Thúy Kiều mà nàng tức chồng. Hoạn Thư đã mấy lần dọ ý, mớm lời để Thúc Sinh thú thực. Nàng đã định bụng cho Thúy Kiều làm vợ bé của Thúc Sinh. Nhưng Thúc Sinh vẫn cứ giấu biệt, cho nên Hoạn Thư mới làm thế để hành hạ tâm hồn Thúc Sinh.

Nguyễn Du tài thay, khi Thúy Kiều thành vợ Từ Hải, hùng cứ một giang sơn rộng lớn, chia đôi đất Trung Hoa cùng triều đình Bắc Kinh, thì Nguyễn Du không tả nàng một cách trực tiếp như trước. Bởi vì nếu dùng ngôn ngữ trực tiếp để tả một người đàn bà quyền uy thì là làm kém cả vẻ đẹp tinh thần lẫn thể chất của nàng. Nguyễn Du tả một cách gián tiếp bằng những hình ảnh của cách hành xử ân oán phân minh, hợp tình hợp lý mọi bề, uy nghiêm mà nhẹ nhàng.

Còn Từ Hải, Từ Hải dưới ngòi bút Nguyễn Du không phải là một chàng cướp biển, mà là một anh hùng, với vẻ đẹp tinh thần oai dung, hiên ngang, và vẻ đẹp tinh thần của một quân vương tài ba nhưng thuần hậu dịu dàng, lại si tình và chung thủy, vừa là một tướng quân, vừa là một nghệ sĩ, lại si tình và chung thủy (và cuối cùng chết vì sự si tình và chung thủy của mình).

“Râu hùm hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Ðường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Ðội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Ðông
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non song một chèo”

Cũng nên nói qua về Thúc Sinh, người bị mang tiếng là sợ vợ. Thật ra Thúc Sinh cũng là một tay tài hoa và si tình:

“Khách du bỗng có một người
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương”

Chàng làm thơ, Thúy Kiều nhận biết thơ hay:

“Sinh càng tỏ nét càng khen
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Ðường
Nàng rằng: ‘vâng biết lòng chàng
lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu.’”

Khi ăn chơi, thì Thúc Sinh:

“Thúc Sinh quen nết bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không”

Lòng Thúc Sinh khi biết Hoạn Thư đã bắt cóc, làm nhục Thúy Kiều và lừa mình:

“Sinh thì gan héo, ruột đầy
Nỗi lòng càng nghĩ càng cay đắng lòng”

Chê Thúc Sinh sợ vợ, thì cũng nên hiểu rằng, lẽ thứ nhất Hoạn Thư cao kế quá, nếu Hoạn Thư nổi giận, la mắng theo kiểu ghen thường tình, thì Thúc Sinh dư sức chống lại. Ðằng này mẹ của Hoạn Thư cho côn đồ đến bắt cóc nàng về, đốt nhà, ném xác giả vào cho Thúc Sinh tưởng Thúy Kiều đã chết cháy, Rồi đánh phủ đầu bắt làm gia nhân nhà Hoạn Thư. Khi Thúc Sinh về, Hoạn Thư mở tiệc mừng, bắt Thúy Kiều (khi này đã bị đổi tên là Hoa Nô) ra đánh đàn, hầu rượu, thì Thúc Sinh còn làm gì được. Vả lại Hoạn Thư là con gái quan Thượng Thư Bộ Lại.

Người đứng đầu ngành hành chánh, tư pháp của triều đình, quyền uy ngất trời, thì ông chồng nào mà khi mắc kế, chẳng cắn răng chịu thua như Thúc Sinh.

Ta cũng phải nhớ rằng thơ chữ Hán của Nguyễn Du không kém gì thơ Ðường, nên khi Nguyễn Du Việt hóa thơ Ðường đọc lên tự nhiên như đó là thơ Việt. Hãy xem bài Ðề Tích Sở Kiến Xứ của Thôi Hộ:

Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong

(hoa đào vẫn nở tươi trong gió xuân
năm ngoái, hôm nay dưới cổng này
mặt người hồng lên cùng hoa đào
không biết má hồng nay nơi đâu)

Mà Nguyễn Du đã Việt hóa để tả lại tấm lòng chàng Kim Trọng, năm sau, sau khi từ quê nhà, thọ tang chú trở lại, mà Kiều đã vắng bóng là:

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

(gió đông, đông phong là gió mùa xuân, thổi từ phương đông đến)

3. Tôi thích truyện Kiều vì ngoài cái vẻ đẹp của thơ trong suốt hơn ba nghìn câu lục bát. Nhưng còn là vì những ý tình mà người ta thấy hợp với những hoàn cảnh, tâm tình không bắt nguồn từ câu chuyện chính. Trong rất nhiều hoàn cảnh trên đời, người ta cũng có thể tìm thấy những câu trong truyện Kiều phù hợp với tâm tình mình. Chính vì thế trong dân gian mới có việc bói Kiều. Khi muốn biết việc tương lair a sao, có người khấn nguyện Thúy Kiều rồi mở quyển Kiều một cách tình cờ ra, ngón tay bấm trúng câu nào thì dựa đoán tương lai bằng câu ấy.

Trong truyện Kiều ngoài những câu thơ mượt mà, lại có những câu thơ rất mới. Ðọc lên tưởng chừng là thơ của một thi sĩ tài ba đời nay, như:

“Nước trôi hoa rụng đã yên
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian”

Truyện Kiều là một tác phẩm mà ta đọc lần đầu để thưởng thức câu chuyện kể. Ðọc những lần sau, đọc lại toàn phần, hay đọc từng câu, từng đoạn riêng biệt để thấy cái hay của những câu thơ đó. Như đã nói, thơ hay phải đủ 5 yếu tố: (1) Ý – ý phải sâu sắc, thơ không ý thì trơ trẽn, (2) tình – tình phải thiết tha, thơ nghèo tình thì nông cạn (3) nhạc điệu – nhạc điệu phải uyển chuyển, phải hợp với ý tình, thơ kém nhạc điệu thì không du dương (4) hình ảnh – hình ảnh phải linh động, đặc sắc, thơ không hình ảnh thì nghèo nàn (5) cách tạo chữ – kém tạo chữ thì không dấy động được ý, tình, không làm giầu được hình ảnh và nhạc điệu. Thơ trong Truyện Kiều chẳng những đủ những yếu tố đó ở từng trang từng câu, mà Nguyễn Du còn sử dụng những yếu tố ấy với cài tài ba của một bậc thầy, với cái thi tài của một thi bá, một đại thi hào. Thơ lục bát tưởng dễ làm, nhưng thật ra rất khó. Kẻ kém tài dễ bị sa lầy vào cái nhịp đều đặn của 2 câu sáu tám. Làm kém thì thơ thành vè. Phải biến đổi cách ngắt câu để đổi nhạc điệu đi. Nguyễn Du sử dụng nhiều lối. Như ngắt những câu thành 2 vế đối: câu 6 làm 2 đoạn, ngắt câu 8 làm 2 đoạn khác. Nguyễn Du lại còn ngắt những câu thơ làm nhiều đoạn không đối, dài ngắn không đều, hay trọn câu một hơi liền, không chỗ ngắt, để biển đổi nhạc điệu.

Ví dụ:

“mai cốt cách / tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ / mười phân vẹn mười”

Hay

Nền phú hậu / bậc tài danh
Văn chương nết đất / thông minh tính trời

Hay

“bâng khuâng / nhớ cảnh / nhớ người
nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi

Hay

“Kiếp hồng nhan có mong manh
nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”

Hay

“Sương in mặt / tuyết pha thân
Sen vàng lãng đãng / như gần / như xa

Xin hãy để ý đến câu này. Thoáng đọc cứ tưởng Nguyễn Du tả sắc đẹp của Ðạm Tiên. Nhưng sương in mặt là vẻ mặt mờ mờ nhìn không rõ, tuyết pha thân là toàn thân mặc áo quần trắng toát, còn câu sen vàng lãng đãng, như gần, như xa là chân đi mà không nhìn thấy, không chạm đất. Ðó chính là Nguyễn Du tả một con ma. Nếu là tôi, lúc nửa đêm, ngồi một mình mà nhìn thấy bóng ma mờ mờ ảo ảo hiện ra như thế thì chết khiếp đi được. Nửa câu thơ còn không làm nổi, chứ đâu mà làm được cả 10 bài thơ Ðường để dâng tặng hội chủ Ðoạn Trường, như Thúy Kiều.

4. Tôi thích truyện Kiều vì tính nhân bản trải dàn khắp câu chuyện.

Những tình tiết, những biến chuyển éo le, bất ngờ. Từ buổi lễ Thanh Minh đi chơi Xuân tình cờ gặp Kim Trọng, cho đến 15 năm sau, khi Kim Trọng và gia đình làm lễ cầu an cho nàng ở bờ sông Tiền Ðường và tình cờ gặp lại nàng. Biến chuyển nào của câu chuyện cũng đột ngột.

5. Tôi thích Truyện Kiều vì những nhân vật rất người.

Chàng Kim Trọng chung tình, suốt 15 năm xa cách không ngừng nhớ thương, không ngừng tìm kiếm.

Mã Giám Sinh hiển hiện bản tính của tay ma cô, côn đồ, láo xược.

Thúc Sinh là một công tử hào hoa, ham chơi nhưng cũng rất chung tình.

Hoạn Thư cao kế, ghen tuông thâm trầm, nhưng cũng ngầm mến tài, mến sắc tình địch.

Từ Hải là chàng anh hùng áo vải, tay trắng xây dựng giang sơn, với tình yêu son sắt dành cho Thúy Kiều.

Còn Thúy Kiều là cô gái lãng mạn, mơ mộng nhưng suốt 15 năm nổi trôi luân lạc, lòng nhớ thương gia đình và tình yêu Kim Trọng vẫn tha thiết không nguôi, hành sử phân minh, khi yêu Kim Trọng, hay Thúc Sinh, hay Từ Hải cũng là tình yêu sâu đậm nồng nàn.

6. Tôi thích Truyện Kiều vì cái thi tài của Nguyễn Du.

Từ câu chuyện Thanh Tâm tài Nhân, vốn là một tác phẩm không hay, Nguyễn Du chỉ mượt ý chính rồi phóng tác thành một tác phẩm mà trong mấy trăm năm qua, từ vua quan triều Nguyễn, đến những học giả, những người yêu thơ, và mọi tầng lớp dân gian biết đến và yêu thích. Mặc dù dung những tên đất, tên người Tầu, nhưng ta cứ ngỡ là truyện Việt.

Sau này, khoảng thập niên 1950, 1960 ở Saigon, có nhà văn Hoàng Hải Thủy, là người cũng có biệt tài phóng tác, trong số những tác phẩm ông phóng tác, như truyện Jane Eyre của Charlotte Bronte và Wuthering Height của Emily Bronte, mà ông biến thành Kiều Giang và Ðỉnh Gió Hú, khi đọc ta cứ tưởng như chuyện tình Việt Nam xẩy ra ở Ðà Lạt.

Dông dài nãy giờ đã quá nhiều, thời gian thì có hạn, thế nhưng nói về truyện Kiều thì bao giờ mới xong? Ta có thể nói cả ngày, cả tháng cả năm cũng vẫn cứ thấy thêm được những cái hay, những lý do yêu thích truyện Kiều. Nhưng điểm cuối cùng tôi muốn nêu lên ngày hôm nay là truyện Kiều đẹp vì được viết bằng tiếng Việt và tiếng Việt đẹp vì nhờ sức sang tạo tiếng Việt của Nguyễn Du qua Truyện Kiều. Phạm Quỳnh bảo, “Truyện Kiều còn, thì tiếng ta còn…” thế nhưng đời nay còn mấy ai đọc và học truyện Kiều nữa. Cho nên tiếng Việt đang mất đi vẻ trong sang, uyển chuyển, du dương khi người ta đang Hán hóa tiếng Việt, bằng những từ ngữ nặng nề, thô lậu như thay vì nói có, thì nói là sở hữu, thay vì nói tôi thấy, thì nói sai văn phạm là tôi cảm giác, thay vì nói thích, thì nói là ấn tượng…

Vì thế nếu chưa đọc truyện Kiều từ đầu đến cuối, xin hãy đọc, nếu đọc rồi, xin hãy đọc lại. Tôi tin rằng bạn không những vui thích vì đọc một tác phẩm hay nhưng lại còn học hỏi được nhiều điều hay cả về văn chương lẫn cách sống đẹp trên đời.

Theo nguoiviet online

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: