Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Barack Obama để bàn về đề xuất của Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho khủng hoảng tại Ukraine.
Ông Obama đã đề nghị Nga phải phản hồi bằng văn bản rõ ràng, Nhà Trắng nói trong một thông cáo.
Điện Kremlin cho biết ông Putin đã đề nghị các bên xem xét những giải pháp có thể giúp ổn định tình hình hiện nay.
Việc Nga sáp nhập Crimea đã bắt gặp phải sự lên án mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Trong cuộc gọi kéo dài một tiếng đồng hồ, tổng thống Hoa Kỳ đã thúc giục ông Putin tránh tăng quân tới sát khu vực biên giới với Ukraine.
“Tổng thống Obama đã nhấn mạnh với Tổng thống Putin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ căng thẳng cho cuộc khủng hoảng hiện nay,” thông cáo của Nhà Trắng cho biết.
“Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng điều này chỉ có thể được thực hiện nếu Nga chịu rút quân và không có thêm hành động xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Lãnh đạo hai nước cũng đã đồng ý các ngoại trưởng của mình sẽ gặp mặt để bàn về những bước đi tiếp theo.
Đề xuất của Hoa Kỳ, vốn đã qua thảo luận với Ukraine và các quốc gia EU, bao gồm việc triển khai các quan sát viên quốc tế để bảo đảm quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine, cũng như việc Nga phải rút quân về căn cứ.
Ông Obama nhận cuộc gọi của ông Putin khi đang ở Ả rập Saudi, điểm dừng chân mới nhất của ông sau chuyến công du châu Âu, nơi mà khủng hoảng tại Ukraine đã là đề tài chính của các cuộc thảo luận.
Điện Kremlin nói trong một thông cáo rằng tổng thống Nga đã đề cập với ông Obama về “tình trạng lộng hành của các nhóm cực đoan” tại Kiev và những nơi khác của Ukraine.
Những người này đã “có hành động khiêu khích nhằm vào những người dân ôn hòa, công chức nhà nước và các cơ quan hành pháp”, thông cáo nói thêm.
Ông Putin gợi ý các bên nên xem xét những cách thức mà cộng đồng quốc tế có thể áp dụng nhằm tháo gỡ căng thẳng và giúp ổn định tình hình.
Ông cũng bày tỏ quan ngại trước việc vùng lãnh thổ ly khai thân Nga Trans-Dniester của Moldova, nơi có quân Nga đồn trú, bị “phong tỏa”.
Các lãnh đạo thân Nga tại đây đã đề nghị Moscow cho vùng này được phép gia nhập Liên bang Nga.
Nato lo ngại rằng Nga có thể sử dụng lực lượng tại Trans-Dniester để xâm lược vùng này.
Giải pháp ngoại giao
Trong khi đó tại New York, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nói ông đã được Tổng thống Putin bảo đảm rằng Nga “không có ý định tiến quân” vào Ukraine.
Sự hiện diện của quân Nga ở vùng biên giới phía đông của Ukraine đã làm dấy lên quan ngại rằng ông Putin sẽ không chỉ dừng lại ở Crimea.
Biên tập viên Bắc Mỹ của BBC, Mark Mardell, nhận định rằng cuộc gọi vào tối thứ Sáu có thể là tín hiệu cho thấy hai bên đang tiến gần hơn đến một giải pháp ngoại giao, ngay vào lúc phương Tây đang lo ngại rằng Nga có thể sẽ xâm lược phía đông của Ukraine.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt lệnh trừng phạt lên nhiều nhân vật thân cận của ông Putin, và đe dọa sẽ nhằm vào các ngành kinh tế chủ chốt của Nga để đáp trả lại hành động của Moscow tại Crimea.
Moscow đã chính thức sáp nhập Crimea sau khi bán đảo với đa số dân cư là người gốc Nga tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ việc quay về với Nga.
Kiev và phương Tây đã gọi cuộc bỏ phiếu này là “bất hợp pháp”.
Động thái này diễn ra sau làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng trời, vốn kết thúc với việc tổng thống thân Nga của Ukraine, ông Viktor Yanukovych,