WESTMINSTER, California Kể từ niên khóa 2014-2015, hệ thống trường công lập Hoa Kỳ, từ Mẫu Giáo đến lớp Mười Hai, sẽ áp dụng phương pháp giảng dạy mới, theo một tiêu chuẩn chung, gọi là “Common Core Standards.” Phương pháp này tập trung nâng cao khả năng nhận định, phân tích, lý luận và diễn đạt của học sinh, thay vì “học thuộc lòng” như phương pháp “truyền thống.”

Nhiều chuyên gia giáo dục, tuy ủng hộ Common Core Standards, vẫn ưu tư rằng chương trình mới sẽ là thách thức lớn nhất đối với tất cả học sinh, bất kể thuộc hoàn cảnh kinh tế xã hội nào. Nhưng thách thức này, với học sinh mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, lại còn nặng nề hơn nữa.

Không phải tự nhiên mà các chuyên gia giáo dục có cái nhìn bi quan như vậy.

Học sinh trường Triadelphia Ridge Elementary School tập viết chữ hoa. Chương trình mới tranh cãi liệu có nên bắt các em tập viết chữ hoa hay không. (Hình: Robert MacPherson/AFP/Getty Images)

Một nghiên cứu của trung tâm Thống Kê Giáo Dục Quốc Gia (National Center for Education Statistics), công bố năm 2012, cho thấy khả năng đọc, viết và diễn đạt giữa học sinh con em gia đình nghèo, so với gia đình khá giả, có một khoảng cách lớn.

Tài liệu năm 2010 của U.S. Census cũng cho thấy, 59% học sinh có trình độ Anh ngữ “kém lưu loát” là con em thuộc gia đình mà Anh ngữ là ngôn ngữ thứ hai, so với chỉ 28% của con em gia đình bản xứ.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu năm 2010 của tổ chức American Community Survey cho thấy 51.5% học sinh gốc Việt nói tiếng Anh “kém lưu loát” hơn so với 8.7% của toàn nước Mỹ.
Vai trò phụ huynh

Chương trình giáo dục mới theo Common Core Standards không chỉ là thách thức với học sinh gốc Việt, mà còn là thử thách lớn cho giới phụ huynh, vốn rất quan tâm đến vấn đề giáo dục con em mình.

Common Core Standards đòi hỏi phụ huynh phải tham gia chặt chẽ hơn vào việc học của con em. Phụ huynh có đủ thời giờ và khả năng cùng học hỏi, thảo luận với con em sẽ rất thích chương trình giáo dục mới, vì con họ sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, đi đến thành công.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu phụ huynh không thể tham gia vào việc cùng giáo dục con em, họ sẽ phải chứng kiến con mình “vật lộn” với chương trình mới. Phát triển khả năng phân tích, lý luận và diễn đạt cho con em là một nỗ lực chung, bắt nguồn từ phụ huynh.

Vẫn theo các chuyên gia, đọc truyện cho con để ru con ngủ, là bước đầu của nỗ lực chung này. Tuy nhiên, thường thì cha mẹ có một khuynh hướng đáng lo là khi con càng lớn, sự tham gia của cha mẹ vào việc học của con càng giảm. Common Core Standards đòi hỏi phụ huynh đi ngược lại xu hướng “lơi dần tay” này. Nói một cách khác, cha mẹ cần tham gia giáo dục con em ở tuổi 18 chặt chẽ y như khi con mới lên 5.

So sánh vai trò của phụ huynh trong môi trường học cũ và mới, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục học khu Garden Grove, phát biểu: “Trước đây chỉ cần theo dõi con em, miễn sao cho chúng nộp bài đầy đủ là tốt rồi. Bây giờ cha mẹ phải xem kỹ bài của con, hỏi chúng những câu hỏi, đại loại “Sao câu giải thích này ngắn thế,” “Sao câu văn này luộm thuộm thế.” Hoặc với môn Toán, phụ huynh không chỉ xem đáp số bài toán của con có đúng không, mà phải bắt chúng tập giải thích tại sao lại có công thức này.”

Ông nêu ra một thí dụ khác: “Trong chương trình học mới, cha mẹ phải hiểu rằng con mình dùng computer là để học chứ không phải chúng đang chơi game. Theo lối dạy của Common Core, các em phải học cách làm việc chung với nhau, cộng tác với nhau, phải biết cách nghiên cứu, tìm tòi cho đúng. Không phải cứ lên Facebook hay vào Youtube đọc một đề tài gì đó thì gọi là research. Ngược lại, phải biết dùng ‘key word’ – từ khóa, biết nguồn để tìm tài liệu, và biết nguồn tài liệu tốt nhất, đúng nhất cho điều mình muốn tìm hiểu.”
Chưa hiểu rõ

Tuy việc phải hiểu rõ Common Core Standards rất quan trọng, đến nay, đa số phụ huynh, hoặc chưa hề nghe đến những chữ “Common Core Standards,” hay có nghe qua, nhưng không hiểu gì về tiêu chuẩn giáo dục mới này. Một số người khác thì hiểu chương trình một cách trừu tượng, không nắm rõ Tiêu Chuẩn Chung sẽ ảnh hưởng con em mình như thế nào.

Bà Liên Phạm, dân cư Garden Grove, có hai con theo học lớp Ba và lớp Chín ở học khu Garden Grove, cho biết “có đọc loáng thoáng” qua email của trường, và khi đến các buổi họp Phụ Huynh và Thầy Cô (Parent-Teacher Conference), có được phát vài tài liệu, nhưng “không thấy có gì quan trọng, nên không để ý lắm.”

“Bây giờ nghe hỏi thì mới biết là tại mình không hiểu nên mới thấy là không quan trọng.” Bà Liên công nhận.

Ông Trần Mạnh Hùng, có con học lớp Sáu và lớp Mười tại học khu Westminster cho biết: “Tôi được trường gửi thư về nhà, cũng lâu lâu, vài tháng rồi, nhưng đọc có hiểu gì đâu, không hiểu thì làm sao mà giúp tụi nhỏ được.”

“Thôi chắc phải nhờ đến người con lớn.” Ông chép miệng.

Bà Hạnh Lê, trước đây là nhà giáo, có con học lớp Bảy tại ABC Unified School District, cho biết “hiểu sơ về Common Core Standards, nhưng muốn tìm hiểu thêm mà… khó quá.”

“Tôi biết là chương trình này quan trọng, muốn tìm tài liệu tiếng Việt về để đọc mà không có.” Bà Hạnh nói.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân không ngạc nhiên về tình trạng phụ huynh chưa hiểu rõ chương trình giáo dục mới. Ông nói: “Vấn đề này khá phức tạp, mà hầu hết các học khu, cho đến giờ phút này, chưa chuẩn bị chương trình để giải thích với phụ huynh. Tôi vẫn thường nói là quý vị phải làm thế nào để giải thích cho phụ huynh hiểu được cho rõ, thì phụ huynh mới giúp được con em mình. Không giải thích được thì con em lơ mơ, mà phụ huynh cũng… lơ mơ luôn. Tôi rất lo, vì cho tới giờ này chưa có một văn bản nào được dịch ra tiếng Việt.”

Ông Lân cho biết thêm, học khu cũng hiểu việc giải thích cho phụ huynh hiểu “Common Core Standards” là điều rất cần thiết, nhưng “chưa phải là điều mà nhiều học khu có thể thực hiện.” Lý do: Còn phải tập trung vào việc huấn luyện, chuẩn bị cho thầy, cô nắm vững phương pháp giáo dục mới.
Trở ngại ngôn ngữ

Cho dù đã hiểu rõ mục đích và phương pháp giảng dạy mới, phụ huynh gốc Việt, cũng như phụ huynh của các cộng đồng di dân khác, vẫn phải đối diện với trở ngại ngôn ngữ, mà với họ, là “trở ngại còn lớn hơn so với con em mình.”

Giáo Sư Julie Washington, thuộc Georgia State University, nói: “Sự chênh lệch lớn nhất giữa học sinh bản xứ và học sinh mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, được thấy rõ trong những lớp học mà khả năng đọc và viết đóng vai trò quan trọng.”

Bà nhận định, ngay cả những học sinh Mỹ gốc Á sinh ra ở Hoa Kỳ cũng sẽ phải “leo một con dốc cao hơn” trong việc học, vì các em nói một thứ tiếng Anh không được chuẩn, hay ở một trình độ không cao như trường muốn.

“Lý do là khi về nhà các em phải nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng mẹ đẻ, hay bằng một thứ tiếng Anh đơn giản để thân nhân có thể hiểu được. Trong khi đó, việc trau dồi ngôn ngữ, không chỉ đến từ thầy cô, trường học, mà còn đến từ môi trường sinh hoạt hàng ngày.” Bà Julie Washington giải thích.

Vì trở ngại ngôn ngữ, đa số phụ huynh Á Ðông nói chung, và gốc Việt nói riêng, trong việc theo dõi việc học của con em, thường nhìn vào kết quả điểm thi để đánh giá sức học con mình.
Trở ngại văn hóa

Thói quen dùng điểm thi làm thước đo sức học của con em, khi học sinh bắt đầu chuyển qua chương trình học mới, sẽ gây nhiều bất an cho phụ huynh gốc Việt.

Song song với việc áp dụng Common Core Standards trong niên khóa 2014-2015, Bộ Giáo Dục đưa ra một chương trình sát hạch mới để đo lường khả năng của học sinh.

Theo kinh nghiệm của New York, tiểu bang đi tiên phong trong việc áp dụng Common Core Standards, nơi đa số (70%) học sinh bị chương trình sát hạch này đánh rớt thì kết quả thi khiến nhiều học sinh và phụ huynh “hoang mang” và “mất tinh thần.” Lý do điểm thi thấp là vì tiêu chuẩn giảng dạy mới đòi hỏi khả năng nhận định, phân tích, diễn đạt, nói và viết, mà các em chưa kịp phát triển.

Tệ hơn nữa, kết quả thi của tiểu bang New York cho thấy chỉ khoảng 4% học sinh mà Anh ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ được chấm điểm đậu. Ðiều này cho thấy học sinh gốc Việt, phần vì trở ngại ngôn ngữ, phần vì quen học “từ chương,” học thuộc lòng nhiều hơn là lý luận, có thể còn có điểm thi thấp hơn nữa. Ðiều này chắc chắn sẽ làm nhiều phụ huynh lo lắng.

Giới chuyên gia cho rằng, trong ít nhất ba năm đầu, điểm thi của các em sẽ tệ, cho đến khi các em phát triển được khả năng mới.

Và phụ huynh có thói quen dùng điểm thi để đo lường sức học của con sẽ phải tìm cách khác để đánh giá trình độ con em.

Vậy phải làm sao?

Cha mẹ gốc Việt cũng thường hỗ trợ việc học của con em bằng cách nhờ người dạy kèm, cho chúng đi học thêm ở các trường dạy thêm. Với Common Core Standards, các trường dạy kèm chưa thể giúp đỡ gì cho học sinh. Ðơn giản vì chương trình còn quá mới.

Trả lời câu hỏi phụ huynh phải làm gì để chuẩn bị giúp con em hữu hiệu nhất, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân đưa ra một đề nghị: “Phụ huynh phải nâng sự tham gia của mình lên, phải nói chuyện với thầy cô, hỏi họ là tiêu chuẩn mới cho lớp của con mình là gì. Xin họ tài liệu, hay vào website của học khu tìm tài liệu, rồi nếu mình không hiểu, phải nhờ người giỏi tiếng Anh giải thích cho.”

Nhưng ông nói thêm: “Dù sao, tình hình cũng không đến nỗi bi quan như vậy, học sinh sẽ từ từ điều chỉnh. Và thường thì kinh nghiệm cho thấy, hễ đứa bé thấy phụ huynh quan tâm đến việc học của mình nhiều hơn, thường xuyên đến trường tiếp xúc với thầy cô hơn, thì nó chịu khó học. Ðứa trẻ nào cũng có nhu cầu làm cho cha mẹ hãnh diện.”

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: