ChịTheo học ngành Tài chính khi còn học đại học, và sau hơn mười năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, hàng ngày làm việc với những con số, một nữ doanh nhân người Mỹ gốc Việt đã quyết định rẽ lối cuộc đời mình bằng cách quay trở lại với ‘xuất phát điểm ban đầu.’ Tuy nhiên, điều này không hề có nghĩa tiêu cực, mà đơn giản, chị quay lại với tình yêu thuở ban đầu của mình với ngành thiết kế công nghiệp. Với mong muốn vừa tiếp tục thỏa mãn niềm đam mê thiết kế, vừa giúp thúc đẩy nền kinh tế thông qua các hoạt động kinh doanh mang tính chất xã hội, nhân văn, nhưng đồng thời cũng muốn duy trì và bảo vệ hệ sinh thái, môi trường trên Trái đất, chị đã thành lập công ty Fashionforfreedom với rất nhiều dự án giúp bảo tồn và duy trì các sản phẩm thủ công Việt Nam được thực hiện tại Huế, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.

​Nữ doanh nhân Lanvy Nguyễn là người sáng lập hãng thiết kế Fashionforfreedom, gọi tắt là F4F, với đội ngũ thiết kế được phân bổ ở nhiều nơi như New York, San Francisco, hay Việt Nam… Khi nói đến thiết kế, chúng ta thường nghĩ tới thiết kế nội thất như là một chiếc ghế hay thiết kế quần áo, trang phục; nhưng còn chị Lanvy và F4F thì họ lại muốn dùng việc thiết kế để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề xã hội.

Không phải đột nhiên mà chị Lanvy có quyết định từ bỏ một công việc ổn định liên quan tới ngành học mà chị đã học tại đại học. Chị nói rằng, trước khi vào học ngành kinh doanh, chị đã có mong muốn sẽ bước vào ngành thiết kế công nghiệp vì ngay từ khi học cấp 3, chị đã có một tình yêu rất lớn với ngành này. Chị chia sẻ:

“Trong những năm 90, từ khi mà những vấn đề như ấm lên toàn cầu hay những vấn đề về môi trường chưa trở thành những đề tài nóng hổi như bây giờ, thì ở trường cấp 3 của tôi có một nhóm các bạn học sinh mà tôi là một thành viên trong đó, có một sự quan tâm lớn đến chất thải môi trường. Khi đó, một trong những bài luận mang tính chất khoa học viễn tưởng của tôi là về chuyện một ngày nào đó, chúng ta sẽ chỉ được thừa hưởng những tài nguyên rất ít ỏi trên Trái đất và chúng ta sẽ phải nghĩ tới chuyện tái chế nhiều sản phẩm để tái sử dụng. Một trong những sản phẩm đó sẽ là biến những sản phẩm từ nhựa và kim loại thành quần áo và nhiều sản phẩm khác nữa. Và đó là những gì mà tôi đã cảm thấy có hứng thú rất nhiều. Nhưng là một đứa trẻ nhập cư, sau khi trải qua những lần phỏng vấn và tới thăm các trường đại học, tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng, hoặc là mình phải là người khá giàu có, hoặc là mình sẽ trở thành một nghệ sĩ nghèo trong một thời gian khá dài. Vì đã trải qua một thời gian sống trong nghèo đói khi mới sang Mỹ nhập cư, tôi hiểu điều đó, và tôi đã chọn học kinh doanh, chuyên ngành tài chính.

Sau khi đi làm hơn 10 năm, tôi quyết định bây giờ là lúc mình nên quay lại và theo đuổi tình yêu, đam mê ban đầu của mình. Không nhất thiết phải là thời trang, nhưng đó là điều gì đó mà tôi rất muốn khám phá và tôi đã có cơ hội thực hiện nó khi tôi đã có sẵn nhưng kinh nghiệm và những mối quan hệ mà tôi có ở Việt Nam. Nhưng nói chung không phải là bỗng dưng một ngày tôi thức dậy và quyết đinh mình sẽ trở thành một nhà thiết kế. Đây vốn là một quá trình mà tôi cũng đã tự mình học hỏi và quyết tâm theo đuổi, mặc dù khi mới bước chân vào nghề, tất cả những gì tôi có là những chuỗi kiến thức thiết kế tự học và về quy trình sản xuất khi tôi làm việc trước đó.”

F4F của chị Lanvy không đơn thuần là một hãng thiết kế. Chị nói rằng, chị và đội ngũ nhân viên của chị mong muốn dùng những mẫu thiết kế để tìm giải pháp cho nhiều thách thức mang tính xã hội như vấn đề đói nghèo, vấn đề vệ sinh, hay rất nhiều vấn đề khác mà khi nghĩ tới nó, chị nói rằng, chỉ duy nhất vấn đề tạo việc làm hay một nền kinh tế thực sự mới có thể giúp giải quyết được những vấn đề đó.

Chị Lanvy giải thích thêm về quy trình hoạt động của công ty của mình, một sự hòa trộn giữa nghệ thuật, tài chính, và các vấn đề xã hội:

“Tại F4F, cấp bậc cao nhất thực chất bao gồm hai nhánh. Một là tổ chức phi chính phủ, được gọi là Design Capital, tức là F4F chúng tôi. Chúng tôi thực ra được một vài tổ chức cung cấp ngân quỹ và một trong những tổ chức chính là Thrive Foundation, tổ chức thứ hai cùng nằm ở vị trí quản lý cao nhất tại F4F. Thrive Foundation chịu trách nhiệm cho các doanh nhân, thương gia, chủ doanh nghiệp tại các nước đang phát triển vay thiết bị. Trong kinh doanh, bạn cần hai thứ: vốn và thị trường. Tại Việt Nam và tại những nơi mà F4F đang làm việc, người dân cần cả hai thứ này. Vậy là tổ chức Thrive Foundation nói họ sẽ cung cấp các thiết bị để những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh tại những làng nghề thủ công này có thể đạt năng suất cao hơn. Và cùng lúc, Thrive Foundation quay sang nói với Design Capital rằng, Design Capital chúng tôi hãy đi tìm những đơn vị kinh doanh mà chúng tôi nghĩ có tiềm năng phát triển và có thể tận dụng được hết những ích lợi mà những thiết bị của Thrive Foundation cho vay. Khi tìm được họ rồi, hãy cung cấp cho họ những thiết bị cho vay mà Thrive cung cấp.”

Để đơn giản hóa mô hình hoạt động của F4F, chị Lanvy đưa ra một ví dụ:

“Tôi lấy ví dụ một đơn vị sản xuất các sản phẩm thủ công bằng gỗ như một ngôi chùa bằng gỗ chẳng hạn. Khi đó, chúng tôi sẽ nói với người thợ mộc ở đó rằng, nếu anh cần thiết bị mới, chúng tôi có thể cung cấp cho anh thiết bị mà anh cần, chúng tôi sẽ cho anh vay với mức lãi suất là 0%. Sau đó, cách mà họ cần làm để trả nợ đó là trả nợ theo sản phẩm. Ví dụ, họ cần một số lượng thiết bị trị giá $5,000, chúng tôi đưa cho họ $5,000 để mua thiết bị mới. Sau đó, họ sẽ phải trả nợ chúng tôi bằng cách sản xuất ra các sản phẩm trị giá đúng $5,000 và họ bắt buộc phải đưa những sản phẩm này cho người nghèo.

Nói đơn giản, bạn hãy hình dung đây là một kim tự tháp. Chúng tôi ở trên đỉnh ngọn tháp. Các đơn vị kinh doanh, các doanh nghiệp ở Việt Nam nằm ở tầng kế tiếp của ngọn tháp. Và những người nghèo cần dùng tới những sản phẩm này của các doanh nghiệp sẽ nằm ở tầng dưới cùng của ngọn tháp. Như vậy, F4F chúng tôi sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp các thiết bị để họ phát triển tốt hơn. Rồi những doanh nghiệp sẽ cung cấp cho những người nghèo cần tới những sản phẩm của họ, ví dụ như giường, cửa, khung nhà v..v… tất cả những thứ mà những người nghèo cần tới.”

Tại sao mô hình hoạt động này phát triển tốt và F4F kiên trì với nó? Trả lời cho vấn đề này, chị Lanvy nói:

“Tại sao mô hình này phát triển tốt như vậy? Bởi lẽ chúng tôi quản lý một doanh nghiệp nhỏ nào đó và giờ chính doanh nghiệp nhỏ này tạo ra ảnh hưởng cho rất nhiều người cần tới những sản phẩm của họ. Bạn cứ thử hình dung như thế này, nếu chúng tôi trực tiếp cung cấp cho từng người nghèo các sản phẩm mà họ cần hay lương thực thì không biết khi nào mới cung cấp đủ hết cho họ. Cùng một số tiền $5,000, chúng tôi sẽ không thể giúp được nhiều người giống cái cách mà chúng tôi đang làm như hiện nay. Vì thế mà chúng tôi nghĩ rằng, chỉ bằng cách giúp những doanh nghiệp phát triển tốt, đổi lại, họ sẽ giúp những người sống trong chính cộng đồng của họ cũng có được một cuộc sống khấm khá hơn giống như họ.”

Chị Lanvy nói rằng, thực tế là ngành thủ công mang tính chất di sản văn hóa của Việt Nam đang trải qua một thời kỳ khó khăn, có thể dẫn tới việc nó sẽ bị hoàn toàn biến mất bởi vì không có đủ nguồn mua hay không có đủ nguồn hỗ trợ để nó tiếp tục phát triển.

"Những người thợ này ở Việt Nam vốn đã rất giỏi câu cá rồi, điều họ thiếu chỉ là một chiếc cần câu cá tốt hơn mà thôi" - Nữ doanh nhân Lanvy Nguyễn“Những người thợ này ở Việt Nam vốn đã rất giỏi câu cá rồi, điều họ thiếu chỉ là một chiếc cần câu cá tốt hơn mà thôi” – Nữ doanh nhân Lanvy Nguyễn

Trong tiếng Anh có một câu nói phổ biến: ‘Cho một người một con cá và bạn có thể cứu sống anh ta trong một ngày, nhưng nếu bạn dạy anh ta cách câu cá, bạn có thể cứu sống cả cuộc đời anh ta.’ Tuy nhiên, chị Lanvy cho rằng, khi nói về những người thợ thủ công ở Việt Nam, đây lại là một trong những câu nói mang tính chất xúc phạm nhất, bởi lẽ những người thợ ở đó vốn đã biết và rất giỏi cách câu cá rồi. Điều họ cần chỉ là một chiếc cần câu cá tốt hơn mà thôi. Chị nói tiếp:

“Tôi lấy ví dụ một thị trấn ở Huế hay ở miền Trung đang thiếu hụt những cơ hội cải thiện kinh tế, tuy nhiên điều mà những người sống ở đây thành thạo và giỏi là những công việc thủ công từ gỗ. Làm sao mà chúng ta có thể giúp họ giải quyết vấn đề kinh tế, thay vì gửi những đoàn cứu trợ phi chính phủ tới và nói rằng chúng tôi đến đây để xây trường học cho các bạn hay đem đến cho các bạn điều kiện vệ sinh tốt hơn. Tôi không nghĩ là họ thực sự muốn điều đó. Tôi nghĩ điều mà họ thực sự muốn đó là làm sao để họ có thể tự đứng vững trên đôi chân mình và làm sao có thế giúp họ mở ra một thị trường cho riêng họ. Tôi làm hết sức của mình để cố gắng giúp họ có trách nhiệm với chính những sản phẩm mà họ làm ra và tiếp tục sản xuất những sản phẩm đó.”

Quý vị vừa đến với phần 1 Câu chuyện Phụ nữ tuần này về nữ doanh nhân người Mỹ gốc Việt Lanvy Nguyễn chia sẻ về công việc kinh doanh trong ngành thiết kế, giúp đem lại nhiều sự thay đổi trong đời sống những người làm nghề thủ công truyền thống ở miền Trung Việt Nam nói riêng, cũng như cố gắng giúp duy trì công việc sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nói chung. Trong phần 2, chị Lanvy Nguyễn sẽ chia sẻ với quý vị cụ thể hơn về những dự án mà chị đã và đang thực hiện ở Việt Nam.



binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: