Quân đội Hoa Kỳ nói các cuộc không tạc đang gây thiệt hại lớn cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria nhưng chưa đủ để đánh bại phiến quân.
Tướng Martin Dempsey nói cần phải có giải pháp chính trị và chiến dịch trên bộ tại Iraq và Syria.
Ông Dempsey ước tính cần có tới 15.000 chiến binh, có thể huy động từ lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria, cần cho chiến dịch ở nước này.
Hôm thứ Sáu 26/9, Anh quốc đã đồng ý tham gia các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhắm vào các mục tiêu của IS tại Iraq.
Chiến đấu cơ của Pháp đã tấn công vào các mục tiêu ở Iraq, Bỉ và Đan Mạch cũng đang điều máy bay.
Phát biểu tại Lầu Năm góc, Tướng Dempsey nói các cuộc oanh tạc tuần rồi tại Syria đã gây thiệt hại cho bộ chi huy IS cũng như khả năng kiểm soát và hậu cần của lực lượng này.
Tuy nhiên theo ông, cần có thêm nỗ lực để giành lại các khu vực đã mất vào tay IS ở Syria và Iraq; và chiến dịch trên bộ không cần thiết phải có hiện diện của lính Mỹ.
“Thực tế, điều lý tưởng cho những gì chúng ta đang đối diện ở đây, lực lượng có hiệu quả nhất là đánh đuổi IS từ trong lòng cộng đồng dân chúng bằng một lực lượng bao gồm người Iraq, người Kurd và đối lập ôn hoà của Syria.”
Khoảng 40 quốc gia, trong có một số nước Trung Đông, đã tham gia liên minh do Mỹ cầm đầu chống lại IS.
Việc đã rồi
Các nước châu Âu hiện mới chỉ chấp thuận tấn công các mục tiêu ở Iraq, nơi chính quyền sở tại đã lên tiếng yêu cầu hỗ trợ.
Thế nhưng Mỹ, Ả rập Saudi và UAE đã điều máy bay đánh phá các mục tiêu của IS ở miền Đông Syria, trong có một số cơ sở lọc dầu.
Một quan chức Hoa Kỳ nói với hãng tin AFP rằng các cuộc tấn công ở Syria hiện đang xảy ra khá đều đặn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Cùng với các nỗ lực đang diễn ra ở Iraq, các cuộc tấn công này sẽ tiếp tục hạn chế di chuyển của Isil (IS) đồng thời phá hoại khả năng lập kế hoạch, chỉ huy và thực hiện chiến dịch của lực lượng này”.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các đợt không kích ở Syria bởi vì chúng được thực hiện mà không có sự thông qua của đồng minh của Nga, Tổng thống Bashar al-Assad.
Ông Lavrov nói bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York: “Rất quan trọng làm sao phải thiết lập hợp tác được với chính quyền Syria, ngay cả khi việc đã rồi”.
Hội Chữ thập đỏ cũng cảnh báo rằng các cuộc không tạc ở Iraq và Syria làm căng thằng thêm tình hình nhân đạo vốn đã khó khăn.
Trong một thông cáo ra tại Geneva, hội này kêu gọi tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột giữ tính mạng cho dân thường, cho phép các cơ quan cứu trợ được mang hàng vào cho người dân.
IS kiểm soát một số vùng rộng lớn ở đông bắc Syria và hồi đầu năm nay đã chiếm nhiều địa điểm ở miền bắc Iraq, trong có thành phố lớn thứ hai đất nước là Mosul.
Quân đội Iraq, thoạt tiên có vẻ suy sụp, nay đã vững mạnh lên và các chiến binh người Kurd ở miền bắc Iraq cũng đang góp phần chặn bước tiến của IS.
Tại Syria, dân quân IS đang bao vây thị trấn phía bắc Kobane và khoảng 140.000 dân thường, đa số là người Kurd, đã bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tuần này, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước ngăn chặn công dân của họ tham gia lực lượng thánh chiến Hồi giáo tại Iraq và Syria.
Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố của châu Âu nói khoảng 3.000 người quốc tịch Âu châu đã tham gia các nhóm Hồi giáo vũ trang ở khu vực này.