Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp Tổng thống Myanmar Thein Sein sau khi bình luận rằng “tiến trình cải cách ở Myanmar chững lại”.
Ông Obama đã lên tiếng chỉ trích tiến độ cải cách ở Myanmar (Miến Điện) trên một tạp chí địa phương ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh khối Đông Nam Á họp tại nước này.
Viết trên tờ Irrawaddy, ông Obama nói Myanmar đã “có một số tiến bộ” nhưng quá trình cải cách “đã chậm lại và thụt lùi”.
Bình luận của ông được đưa ra trong khi quốc tế cũng tỏ ra quan ngại về tiến trình cải cách ở Myanmar.
Hội nghị thượng đỉnh Asean đã khai mạc ở thủ đô Nay Pyi Taw hôm thứ Tư 12/11.
Lãnh đạo các quốc gia tham dự hội nghị được trông đợi sẽ thảo luận chủ đề tranh chấp Biển Đông và sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông.
Ông Obama đã từng tìm cách biến Myanmar thành đồng minh của Hoa Kỳ.
Một loạt cải cách đưa ra năm 2010 đã giúp phe dân chủ đối lập tham gia vào chính trường và được xem như minh chứng cho mong muốn cải cách của nhà cầm quyền Myanmar.
Năm 2012, nước này tiến thêm một bước nữa khi cho phép lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được tham gia Quốc hội sau nhiều năm bị quản chế tại gia.
Tuần trước bà Suu Kyi cảnh báo rằng đã không có thêm cải cách gì trong hai năm qua và cho là Mỹ đã “quá lạc quan”.
Trong phỏng vấn với Irrawaddy, ông Obama nói hạn chế đối với báo chí, cách đối xử với tù chính trị và tình trạng ngược đãi người thiểu số Hồi giáo Rohingya đang gây quan ngại lớn.
Ông Obama sẽ gặp Tổng thống Thein Sein và bà Suu Kyi trong thời gian dự hội nghị.
Chủ đề Biển Đông
Chủ đề Biển Đông được cho nằm cao trên nghị trình. Một số quốc gia thành viên Asean, như Philippines và Việt Nam, hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại đây.
Lãnh đạo Việt Nam được thấy khá tích cực trong việc thúc đẩy chủ đề Biển Đông trong hội nghị.
Các vấn đề khác như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) và nỗ lực tuyển dụng thành viên của IS từ các nước đông người theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia cũng được trông đợi sẽ mang ra thảo luận.
Trong một dự thảo thông cáo chung, lãnh đạo Asean bày tỏ cam kết “dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn chiến binh từ các nước Asean tới tham gia các nhóm khủng bố”.
Dịch bệnh Ebola, vốn đã làm 5.000 người chết ở Tây Phi nhưng chưa lan sang Á châu, cũng sẽ nằm trên bàn nghị sự.
Vào thứ Năm 13/11, lãnh đạo Asean sẽ gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khi Hội nghị thượng đỉnh Đông Á mở màn. Tại đây, ngoài các nước Asean còn có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn, Australia, Nga và New Zealand.