TT – Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và các cơ quan tình báo đang điều tra nghi vấn “người thổi còi” Ed Snowden có thể làm gián điệp cho Trung Quốc hoặc bị Bắc Kinh mua chuộc và lợi dụng.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng tiết lộ FBI và các nhân viên tình báo Mỹ sẽ điều tra để xác định liệu Snowden có liên hệ với tình báo Trung Quốc trước khi đánh cắp thông tin mật từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hay không. “Chúng ta cần đặt câu hỏi về động cơ và những mối quan hệ của anh ta, tại sao anh ta lại đến Hong Kong, sống như thế nào ở đó và liệu anh ta có hợp tác với chính quyền Trung Quốc hay không” – Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, nêu rõ.
Ủy ban này của Quốc hội Mỹ cũng đang hợp tác với các cơ quan tình báo Mỹ để điều tra theo hướng này.
Những điểm nghi vấn
Bôi nhọ “người thổi còi”? Một số tờ báo Mỹ cho rằng chính quyền Washington đang mở chiến dịch bôi nhọ Ed Snowden nhằm hạn chế tác động từ vụ rò rỉ chương trình theo dõi của NSA. Tạp chí Foreign Policy nhận định những cáo buộc như Snowden phản quốc, làm gián điệp cho Trung Quốc, bới móc quá khứ của anh ta… đều chỉ là những cách thức bôi nhọ danh dự của “người thổi còi”.
Các quan chức Mỹ cho biết FBI sẽ sử dụng hệ thống vi tính của NSA để nghe các cuộc điện thoại trước đây của Snowden, phân tích các hoạt động và mối liên hệ của anh ta trên mạng Internet. Mục tiêu để dò tìm xem Snowden có liên hệ với điệp viên Trung Quốc hay không. FBI cũng sẽ truy tìm các bằng chứng để xác minh liệu Snowden có rơi vào một cái bẫy tình hay tiền do điệp viên Trung Quốc giăng ra hay không. Các tài khoản của anh ta cũng sẽ bị giám sát. Bộ Tư pháp Mỹ đang chuẩn bị cáo trạng chống lại Snowden.
Mỹ cũng sẽ yêu cầu Hong Kong bắt giữ Snowden trong vòng 60 ngày và đề nghị Hong Kong dẫn độ về Mỹ theo thỏa thuận hai bên đã ký năm 1996. Giới tình báo và FBI nhận thấy có nhiều điểm đáng ngờ trong hành động của Snowden. Thứ nhất, anh ta bay sang trú ẩn ở Hong Kong. Mặc dù Hong Kong có chế độ chính trị khác Trung Quốc nhưng vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Thứ hai, anh ta tiết lộ chương trình do thám của NSA đúng vào thời điểm trước cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ở đó Washington đang muốn “hài tội” Bắc Kinh về việc tin tặc Trung Quốc đánh cắp bí mật quốc phòng, thương mại của Mỹ. Bắc Kinh trước đó từng đe dọa sẽ công bố các thông tin cho thấy Mỹ cũng tấn công mạng. “Việc anh ta đến Trung Quốc và đề nghị Chính phủ Trung Quốc bảo vệ rồi tổ chức họp báo với truyền thông Trung Quốc là rất đáng ngờ. Chúng tôi sẽ điều tra” – hạ nghị sĩ Ruppersberger thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ nhận định.
“Tài sản tình báo” vô giá
Theo ABC News, mối lo ngại lớn nhất của Mỹ hiện nay là Snowden có thể “đào ngũ” và trở thành một con bài của Trung Quốc. Nguồn tin báo Anh Guardian tiết lộ Snowden đã mang theo bốn máy vi tính xách tay “chứa đầy những bí mật tình báo” từ Hawaii đến Hong Kong. Tình báo Mỹ lo ngại Snowden sẽ trao những bí mật này cho chính quyền Bắc Kinh. Theo cựu chánh văn phòng Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Jeremy Bash, “nếu một chính phủ nước ngoài biết được tất cả những gì có trong đầu Snowden thì họ sẽ hiểu rõ cách Mỹ thu thập thông tin tình báo”, bởi Snowden đã làm việc cho nhà thầu Booz Allen của NSA và là một nhà phân tích hệ thống. “Anh ta đã tiếp cận những thông tin tối mật và nhờ đó có thể hỗ trợ cho kẻ thù của Mỹ” – ông Bash cảnh báo. Một số chuyên gia tình báo Mỹ cũng cho rằng bộ óc của Snowden có giá trị với Chính phủ Trung Quốc hơn nhiều so với những tài liệu anh ta đã tiết lộ hay còn đang có trong tay.
Sơn Hà