1

Tân đại sứ Việt Nam tại Campuchia Thạch Dư vừa trình quốc thư lên Quốc vương Norodom Sihamoni hôm thứ Năm 21/8.

Ông Thạch Dư thay thế người tiền nhiệm, đại sứ vừa mãn nhiệm Ngô Anh Dũng.

Thông tấn xã Việt Nam khi đưa tin nói Quốc vương Sihamoni “chào mừng đại sứ, tin tưởng đại sứ sẽ phát huy tốt vai trò cầu nối quan trọng, đóng góp thiết thực” cho quan hệ và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Về phần mình, ông Thạch Dư được dẫn lời nói ông “hy vọng trong thời gian công tác tại Vương quốc Campuchia sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Quốc vương cũng như của các nhà lãnh đạo Campuchia”.

Ông Thạch Dư, sinh năm 1957, là người gốc Khmer ở tỉnh Trà Vinh, được nói là theo đạo Phật. Ông là đại biểu Quốc hội và mới được phong hàm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trước khi đi Campuchia, ông là Phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, một tỉnh có cộng đồng người Khmer đông đảo.

Việc bổ nhiệm ông được xem như có thể giúp làm cầu nối không những giữa hai nước Việt Nam và Campuchia mà còn cả giữa cộng đồng người Khmer trong và ngoài nước.

Biểu tình chống Việt Nam

Gần đây, cộng đồng Khmer Krom (chỉ những người xuất xứ từ miền Nam Việt Nam) ở Phnom Penh đã tổ chức một số cuộc biểu tình phản đối chính quyền Hà Nội về chủ đề đất đai Nam Bộ.

Những người này đòi một quan chức sứ quán Việt Nam, Tham tán chính trị Trần Văn Thông, xin lỗi vì đã nói miền đất mà người Khmer Krom gọi là Kampuchea Krom và cho là của họ, đã thuộc về Việt Nam từ lâu đời.

Trong một sự leo thang, người biểu tình đã đốt quốc kỳ Việt Nam ngay trước đại sứ quán hôm 12/8. Họ cũng dọa sẽ tiếp tục biểu tình và đốt cờ nếu như không có động thái phản hồi từ phía Việt Nam trong thời hạn vài tuần tới.

Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt việc mà Hà Nội gọi là “những kẻ quá khích” xúc phạm tình cảm và cản trở quan hệ giữa hai bên.

Phía Việt Nam đã chuyển thông điệp tới Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, người vừa ở thăm Hà Nội.

Các kênh truyền thông Việt Nam nói ông Heng Samrin bày tỏ “phía Campuchia hết sức lấy làm tiếc về hành động biểu tình và đặc biệt là việc đốt cờ Tổ quốc Việt Nam. Ông cho rằng đây là hành động của một nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước và mong Chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức thông cảm”.

Báo Việt Nam còn nói phía Campuchia sẽ nỗ lực ngăn chặn các hành vi tương tự trong tương lai.

Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống Việt Nam ở Phnom Penh

 

‘Không phát ngôn như vậy’

Tuy nhiên, trong một động thái khó hiểu, các báo ở Campuchia vừa đồng loạt dẫn lời một quan chức cao cấp cùng đoàn với Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin bác bỏ là ông đã phát ngôn như vậy.

Ông Chheang Vun, dân biểu thuộc Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông của Quốc hội Campuchia nói với các nhà báo ở Phnom Penh rằng ông Heng Samrin “chỉ lấy làm tiếc về hành động biểu tình đốt cờ Việt Nam” với phía Việt Nam.

“Campuchia không gọi người biểu tình là nhóm đối tượng quá khích, bị kích động bởi một số phần tử không hiểu biết về lịch sử hai nước. Ông Heng Samrin cũng không hề có hứa với Việt Nam sẽ xử lý người đốt cờ Việt Nam hay có biện pháp ngăn chặn.”

Đài châu Á Tự do (RFA) dẫn lời ông này nói: “Campuchia là một nước dân chủ, pháp quyền, đa nguyên đa đảng. Chuyện biểu tình đốt cờ là chuyện bình thường. Nó không thể hiện quan điểm của chính phủ. Campuchia không thể cấm người dân biểu tình, không có biện pháp xử lý… Chính phủ chỉ nói với Việt Nam không chấp nhận biểu tình bạo lực và lấy làm tiếc.”

Đây không phải lần đầu tiên quan chức Campuchia được dẫn lời nói những câu trái ngược nhau.

Tướng Khieu Sopheak, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Campuchia, cũng từng được RFA dẫn lời nói việc đốt cờ là một phần của quyền tự do biểu đạt được nhà nước cho phép.

Ông nói rằng việc đốt cờ “nếu được thực hiện trong một cuộc biểu tình hợp pháp thì có thể chấp nhận được”.

Song sau đó, khi trả lời BBC, Bộ Nội vụ Campuchia chỉ nói rằng việc người biểu tình Khmer Krom đốt cờ đỏ sao vàng là “không hợp đạo lý” (unethical) nhưng không phải chuyện lạ và bác bỏ rằng việc này có thể chấp nhận được.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: