Tin ông Nelson Mandela qua đời tối 5/12/2013 theo giờ châu Âu đã thu hút nhiều ý kiến từ cả Việt Nam.

Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập tờ Thanh Niên ở TP Hồ Chí Minh, cho BBC Tiếng Việt biết cảm xúc của ông về tấm gương Mandela:

“Mandela là một nhân vật vĩ đại của một phần thế kỷ trước và cả ở thế kỷ này.”

“Ông là con người rất cách mạng, đấu tranh giải phóng người da đen ở Nam Phi nhưng cũng là một người rất nhân bản. Ông là người tôi cảm phục nhất trên thế giới này.”

Cây bút Trần Bình Nam từ Hoa Kỳ cũng viết cho BBC:

“Ông Mandela chứng tỏ là một người có một tấm lòng khoan dung lớn và một cái nhìn rộng. Khi cầm quyền ông không biến 28 năm tù đày thành thù hận mà biến nó thành một tinh thần hòa giải, giúp mang lại sự ổn định quốc gia tránh một cuộc nội chiến chủng tộc và đóng góp không ít cho nền hòa bình thế giới.”

Với Việt Nam, quốc gia có nhiều năm chiến tranh và chia cắt đất nước, tấm gương bao dung, hòa giải của ông Mandela đến nay vẫn còn giá trị.

Theo ông Nguyễn Công Khế:

“Khi bị đày ra đảo, ông Mandela buồn chứ không vui khi nghe tin về một vụ ám sát một kẻ thù chính trị…vì ông không đồng ý với cách ám sát hèn hạ như vậy. Vì ông là tấm gương lớn của một con người.”

‘May mắn lớn cho Nam Phi’

Nhà báo Nguyễn Công Khế

Mandela là một nhân vật vĩ đại của một phần thế kỷ trước và cả ở thế kỷ này.

Ông là người tôi cảm phục nhất trên thế giới này.

Ông là con người rất cách mạng, đấu tranh giải phóng người da đen ở Nam Phi nhưng cũng là một người rất nhân bản.

Sau thống nhất nếu Việt Nam đi theo tư tưởng đó thì đã có thể giải quyết những rạn nứt và hận thù dân tộc kéo dài.

Với nhiều bạn đọc của BBC Tiếng Việt trên trang Facebook, các ý kiến về ông càng cho thấy dư luận ngưỡng mộ ông không phải chỉ về sự nghiệp đấu tranh mà vì cả tinh thần hòa giải vì tự do và tôn trọng cựu thù.

Trên Facebook của BBC Tiếng Việt, bạn đọc Trà Mi viết:

“Một người vĩ đại chiến đấu vì hạnh phúc, hoà bình và tự do chân chính của loài người, chứ không vì lợi ích hay niềm tin của một nhóm cá nhân nào, cho đến suốt cuộc đời. Công sức và thành tựu của ông Mandela sẽ luôn được ghi nhớ và làm gương cho những nhà cách mạng hoà bình trong tương lai. Mong ông yên ngủ.”

Nguyễn Sơn thì viết: “Tư tưởng 27 năm ở trong tù mới đúc kết được, học thuộc thì dễ chứ làm theo thì không dễ đâu.”

Bạn Vắng Bến so sánh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng không theo kiểu cộng sản của ông Mandela:

“Một con người hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không cần chủ nghĩa cộng sản chỉ đường. Đây là cái may mắn lớn nhất cho người dân Nam Phi.”

Cũng như vậy, Alvin Tango viết:

“Một con người giải phóng đích thực cho người dân Nam Phi. Một sự giải phóng hàng triệu người đều vui. Không phải thứ giải phóng mà triệu người vui trên máu của triệu người buồn.”

Đây là ý nhắc lại câu của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nói về ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975 khi “hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”.

Một bạn khác ký tên là Độc Phong thì viết:

“Người tù lương tâm trở thành lãnh tụ vĩ đại. VN có rất nhiều tù nhân lương tâm… hãy chờ đấy.”

Dưới chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, ông Mandela, một luật sư nhân quyền đã bị xử tù vì tội danh “kích động lật đổ” và đi lại không có hộ chiếu.

Sau khi lên làm tổng thống, ông Mandela đã cải cách luật để trả lại quyền sở hữu đất cho người da đen Nam Phi

Còn một bạn đọc Facebook khác là Hồ Quang A thì nhận xét ông Mandela với một lãnh tụ cách mạng Việt Nam:

“Một nhà cách mạng giải phóng dân tộc không độc tài như các nhà cách mạng khác. Ông hơn hẳn HCM khi không chơi trò chuyên chính.”

Vẫn nhà báo Nguyễn Công Khế, người từng gặp Mandela ở Nam Phi cho rằng điều Việt Nam rất đáng học ở Nam Phi và ông Mandela là làm sao không để “hận thù kéo dài”.

“Nếu như sau khi chúng ta thống nhất được Việt Nam và đi theo tư tưởng đó thì đã có thể giải quyết những rạn nứt và hận thù dân tộc kéo dài. Đó là điều người Việt Nam nên học ở Nam Phi và Mandela,” ông nói với BBC qua điện thoại.

Hiện có vẻ như các báo chính thống ở Việt Nam không nhấn mạnh vào các ý tưởng tự do cho mọi công dân Nam Phi của ông Mandela mà nêu bật giai đoạn chống apartheid của ông.

Chẳng hạn tựa đề trên Quân đội Nhân dân đăng bài của Thông tấn xã Việt Nam viết: “Nelson Mandela – biểu tượng chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc”.

Bài báo ở Việt Nam cũng không nhắc đến vai trò của Tổng thống Nelson Mandela trong việc trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất cho người da đen sau khi chủ nghĩa apartheid chấm dứt.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: