Ông Kerry và gia đình trong chuyến thăm Việt Nam hồi đầu những năm 90.

Ông John Kerry sẽ lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào ngày 15/12 với mục đích thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Hơn 20 năm trước, ông cũng từng thực hiện một chuyến đi đã có tác động mạnh tới cuộc sống sau này của con gái ông, cô Vanessa Kerry. VOA đã hỏi chuyện cô về chuyến đi cũng là đầu tiên tới Việt Nam ở tuổi 14 cũng như những câu chuyện về Việt Nam mà cha cô chia sẻ. Trước hết cô kể lại cơ duyên về chuyến thăm tạo cảm hứng lớn cho cô những năm 90.

Bà Vanessa Kerry: Tôi hết sức may mắn vì cha tôi tham gia tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm 90. Và chính vì thế, ông thường xuyên tới Việt Nam. Nước này chiếm một phần lớn trong cuộc đời của cha tôi bởi Chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và văn hóa của nước này dường như là một phần của cuộc đời chúng tôi.

Cha tôi muốn đưa chúng tôi tới thăm Việt Nam, và tôi tới đó khi 14 tuổi. Tới khi ấy, tôi thực sự chưa bao giờ tới một nơi nào mà lại khác xa so với nước Mỹ đến vậy. Lúc đó Việt Nam vẫn chịu cảnh bị cấm vận nên mọi thứ đều thiếu thốn hơn so với những gì chúng tôi có ở Mỹ. Điều đó gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi không thể hiểu nổi vì sao lại có sự bất công đến vậy.  Đó là một trải nghiệm sâu sắc và ám ảnh tôi mãi. Nó thực sự tác động tới quyết định theo đuổi ngành y và làm việc khắp toàn cầu của tôi.

Cô Vanessa (phải) trong chuyến làm việc ở Bangladesh.Cô Vanessa (phải) trong chuyến làm việc ở Bangladesh.

VOA: Kể từ đó bà đã khi nào quay trở lại Việt Nam chưa?

Bà Vanessa Kerry:  Có. Tôi trở lại Việt Nam vào năm 2000 trong một tuần. Chuyến đi đầu tiên tới đó có tác động sâu sắc tới tôi nên khi tới Trung Quốc tôi muốn quay lại Việt Nam. Và lần này, tôi lại ấn tượng mạnh với mức độ phát triển và đổi thay tại đó. Tôi thấy vui vì quay lại Việt Nam để gặp gỡ người dân ở đó.

VOA:  Đương kim Ngoại trưởng Mỹ có ảnh hưởng như thế nào tới bà?

Bà Vanessa Kerry:  Cha cũng như mẹ tôi có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời tôi. Mẹ tôi qua đời 7 năm trước. Nhưng cả hai người đã nuôi dưỡng trong tôi khái niệm công dân toàn cầu.  Đặc biệt là cha tôi, những gì ông đã làm đều là trong lĩnh vực công và luôn hướng tới việc trả ơn. Ông cũng nói với tôi rằng tôi thuộc về một thế giới rộng lớn và phải chịu trách nhiệm cho vai trò của mình trong xã hội. Tôi thật may vì là con của ông.

VOA: Cha bà từng chiến đấu tại Việt Nam, và sau đó trở thành người có tiếng nói phản chiến mạnh mẽ. Ông có kể với bà về những gì đã xảy ra với ông hay không?

Bà Vanessa Kerry:  Thật buồn cười, nhưng tôi không nghĩ cha tôi từng thực sự kể cho chúng tôi nghe những gì đã xảy ra với ông tại Việt Nam. Bản thân tôi thì nghĩ rằng chiến đấu trong một cuộc chiến là một trải nghiệm đầy bối rối và đau khổ.

Tôi nghĩ ông chiến đấu cho nước Mỹ nên phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng thời ông cũng phải vật lộn với suy nghĩ về những gì xảy ra, về cách thức tiến hành cuộc chiến, cũng như ý nghĩa của nó đối với đất nước. Tôi nghĩ đó là lý do lớn khiến ông trở lại và biểu tình phản chiến. Tôi lớn lên với một truyền thống là phải nói lên suy nghĩ của mình và phải bảo vệ những gì mình cho là đúng đắn. Đó là điều hình thành từ cuộc biểu tình phản chiến của cha tôi.

Tôi nghĩ ông chiến đấu cho nước Mỹ nên phải hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng thời ông cũng phải vật lộn với suy nghĩ về những gì xảy ra, về cách thức tiến hành cuộc chiến, cũng như ý nghĩa của nó đối với đất nước.

Việc ông đưa chúng tôi tới Việt Nam vì ông thấy được vẻ đẹp và niềm vui ở nước này. Đó là điều ông muốn chia sẻ với chúng tôi. Và tôi nghĩ ông cũng muốn chúng tôi thấy vết sẹo mà cuộc chiến gây ra cũng như những gì ông đã trải qua vì đó là một phần lớn của cuộc đời ông. Tôi nghĩ đôi khi thật khó để kể bằng lời về những gì đã xảy ra đến với mình, và điều đó khó hơn so với việc chứng kiến tận mắt.

Khi chúng tôi đến năm 1991, Việt Nam rõ ràng là đã thanh bình hơn so với những năm 60 và 70. Nhưng vì lệnh cấm vận, tôi có thể cảm nhận được tác động lâu dài của cuộc chiến. Ông đưa chúng tôi tới một trại trẻ mồ côi mà ở đó trẻ em có mẹ Việt và bố là lính Mỹ. Chúng bị bỏ rơi vì điều đó, và thật đáng buồn khi phải chứng kiến di sản không tốt đẹp từ cuộc chiến. Tôi nghĩ đó cũng là một ví dụ cho thấy cách cha tôi muốn chúng tôi hiểu sự phức tạp của một trong những điều ông từng chứng kiến.

VOA:  Là người sáng lập tổ chức y tế cộng đồng ‘Seed Global Health’, bà có dự định thực hiện một dự án về sức khỏe nào ở Việt Nam trong tương lai hay không?

Bà Vanessa Kerry:  Đó là điều có thể. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ‘Peace Corps’ (đoàn thanh niên phụng sự hòa bình của Mỹ) nên chúng tôi có thể mở rộng phạm vi hoạt động tại các nước.  Việc có thể giúp cải thiện hoạt động giáo dục y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam sẽ là điều rất có ý nghĩa.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: