Liệu có giải pháp thương mại nào cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine không?

Lord Owen, cựu ngoại trưởng Anh, người từng cố vấn về quyền lợi kinh doanh của Nga, cho rằng có.

Ông nói với tôi rằng theo ông, một thỏa thuận có thể đạt được nếu Nga đàm phán với Ukraine để thuê Crimea, điều mà ông coi là tương tự như việc Hoa Kỳ thuê Guantanamo ở Cuba.

Trên thực tế, Nga đã có sẵn một hợp đồng thuê với thời hạn đến tận 2042, với căn cứ hải quân chính của Nga đặt tại cảng biển Sevastopol của Crimea.

Được đàm phán từ hồi 1991, hợp đồng thuê sau đó được gia hạn thêm 25 năm hồi 2010.

Khi đó, hiệp ước chốt lại với việc Ukraine được Nga trợ giá đáng kể cho nguồn khí đốt từ Nga.

Nếu như hợp đồng thuê được thế giới coi là chấp nhận được về mặt đạo đức, thì chuyển sang thuê toàn bộ vùng Crimea sẽ là bước nhảy to lớn tới đâu?

Lập luận được nêu ra là thông qua việc ký hợp đồng thuê và đàm phán về giá thuê, thì ít nhất phần còn lại của Ukraine sẽ nhận được những lợi ích kinh tế từ việc để Nga chiếm đóng Crimea.

Mà điều này sẽ phù hợp lập luận của nhiều người, rằng hoạt động quân sự của Nga đã tỏ ra hiệu quả.

Ông Putin theo dõi kỹ hoạt động tập trận tại Nga trong lúc binh lính thân Nga chiếm quyền kiểm soát Crimea

Lord Owen cũng nói rằng lẽ tự nhiên các bên tham gia trong cuộc đàm phán như thế sẽ là Anh, Hoa Kỳ, Ukraine và Nga, bởi hồi 1994 các nước này đã đồng ý với việc tiếp tục sử dụng Sevastopol làm căn cứ hải quân của Hạm đội Hắc Hải của Nga; đây là nội dung được coi như một phần của thỏa thuận phổ quát hơn về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Điềm quan trọng ở đây là bất kể Nga đưa ra lý lẽ gì để biện hộ cho việc bảo vệ người Nga sinh sống tại Ukraine, thì với ông Putin, tầm quan trọng chiến lược của Sevastopol và Crimea cũng là rất lớn.

Ông Putin cần phải làm sao cho hạm đội Nga có quyền tiếp cận vùng nước ấm thuộc Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Các nhà phân tích nói rằng sẽ không có chuyện Nga nhân nhượng hay hy sinh quyền tiếp cận này ở Crimea.

Dù sao thì có gì đó đặc thù kiểu “nước Nga hiện đại” khi đem khí đốt hoặc tiền ra đổi lấy quyền ra vào lãnh thổ.

Nó gợi lại cho người ta những chiến thuật thẳng thừng mà chính phủ Nga và vài đại gia sừng sỏ từng dùng, dẫn tới việc Rosneft, tập đoàn dầu khí quốc doanh khổng lồ của Nga, giành được quyền kiểm soát phần lớn TNK từ tay BP và các nhà tỷ phú khác.

Tôi không có ý nói rằng thế giới cần bị phân chia trên cơ sở ai có túi tiền nặng nhất và có cơ bắp quân sự khủng khiếp nhất.

Tôi cũng không nói sẽ dễ dàng tính toán một mức tiền hợp lý để thuê toàn bộ Crimea.

Nhưng một lựa chọn khác, là một khu vực cận kề thảm họa, có khi lại còn tồi tệ hơn nữa.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: