Sau khi đậu một bằng cấp ở Bắc Kinh, sinh viên từ các nơi khác đến phải cạnh tranh để có việc làm và phải giải quyết được cả tình trạng hộ khẩu nữa.

Sự hứa hẹn một nền giáo dục tốt đẹp hơn và công ăn việc làm được trả lương cao hơn thu hút hàng chục ngàn người trẻ tuổi Trung Quốc đến thủ đô Bắc Kinh mỗi năm. Nhưng, các chính sách ngày càng khắt khe về giấy phép cư trú đang đẩy nhiều “ngoại di dân” – nghĩa là những người “ngoài” đi học ở Bắc Kinh ra khỏi thủ đô.

Tại Trung Quốc, công nhân cần phải có giấy phép cư trú, hay hộ khẩu, để được tuyển dụng một cách hợp pháp ở đó. Hộ khẩu liên kết công dân với xuất xứ và gắn liền với một số quyền lợi như chăm sóc y tế, nhà cửa rẻ tiền hơn, và trường học cho con cái.

Sau khi đậu một bằng cấp ở Bắc Kinh, sinh viên từ các nơi khác đến phải cạnh tranh để có một việc làm không những được trả lương tử tế, mà còn phải giải quyết được cả tình trạng hộ khẩu nữa.

Anh Zhang Jingzhu, một sinh viên lớp tốt nghiệp ở trường Ðại học Kỹ thuật Bắc Kinh, cho biết:

“Ðối với sinh viên từ bên ngoài tới, điều đầu tiên phải cứu xét khi đi tìm việc là liệu họ có xin được một hộ khẩu ở Bắc Kinh hay không. Thế rồi, vì không có nhà ở trong thành phố họ cần phải có một việc làm trả lương cao hơn. Ðó là lý do vì sao họ có rất ít chọn lựa về công ăn việc làm.”

Nên ở hay đi?

Một vài tháng sau khi nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 7, cô Zhang sẽ dọn qua Pháp, nơi cô dự định tiếp tục học để lấy một văn bằng hậu đại học.

Cô nói: “Gia đình tôi không hối thúc tôi đi làm ngay và tôi muốn có một nền giáo dục tốt hơn để có một tương lai tốt đẹp hơn.”

Kế hoạch của cô là trở về Trung Quốc để đi tìm việc, nhưng cô nói Bắc Kinh không phải là một chọn lựa.

Cô giải thích: “Nếu tôi không giải quyết được vấn đề hộ khẩu, có lẽ tôi sẽ không ở lại Bắc Kinh. Không có hộ khẩu, tôi không thể mua được nhà hay xe hoặc, nếu có con cái, thì chúng sẽ không được đi học tử tế.”

Quá già để sống ở Bắc Kinh

Còn có những vấn đề khác mà những người không phải là cư dân Bắc Kinh phải đối đầu. Hồi đầu năm nay, nhà chức trách Bắc Kinh đã gửi một khuyến cáo cho các xí nghiệp quốc doanh đề ra hạn chế về tuổi tác cho sinh viên bên ngoài Bắc Kinh.

Nếu sinh viên tốt nghiệp quá một mức tuổi nào đó, các công ty không phải cấp hộ khẩu cho họ. Ông Lu Jiehua, giáo sư về nghiên cứu dân số tại trường Ðại học Bắc Kinh, nói tất cả các thành phố lớn ở Trung Quốc đều phải đương đầu với các vấn đề tương tự với quá nhiều dân di trú đè nặng áp lực lên thị trường công ăn việc làm.

Ông nói: “Ở Bắc Kinh, có lẽ vì số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm cao hơn so với các thành phố khác, các chính sách nhắm mục đích kiểm soát số lượng sinh viên định cư sau khi tốt nghiệp.”

Ông Guo Bin, tổng giám đốc Sáng kiến Bình Ðẳng và Công lý, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các cơ hội tuyển dụng công bằng, nói rằng chính sách mới phân biệt đối xử những người ở ngoài thủ đô.

Ông Guo nói: “Chính sách mới dứt khoát giảm bớt các cơ hội cho những người xuất thân từ bên ngoài Bắc Kinh được cấp hộ khẩu trong thành phố, trong khi bảo đảm các cơ hội về công ăn việc làm cho các cư dân và sinh viên của Bắc Kinh. Trên giấy tờ, các chính sách này đáp lại vấn đề nguồn lực hạn hẹp ở Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, các chính sách này chỉ lo về vấn đề hộ khẩu cho các nhóm người được đặc cách, và gây ra hậu quả tiêu cực trong thị trường công ăn việc làm.

Chuyện cô-ta

Các thành phố ở Trung Quốc dành ưu tiên cho sinh viên địa phương bằng cách dành riêng một cô-ta lớn hơn về nhập học cho sinh viên có hộ khẩu đã đăng ký trong các kỳ thi trung học ở địa phương.

Tại Bắc Kinh, nơi tọa lạc nhiều trường đại học hàng đầu trong nước, những người không có hộ khẩu Bắc Kinh cần phải được điểm thi cao hơn so với bạn đồng học từ thủ đô để được nhận vào trường.

Ông Guo nói đó là một thí dụ khác và rất trực tiếp về đặc quyền dựa vào hộ khẩu ở Trung Quốc.

Ông nói tiếp: “Ðiểm của sinh viên ở Bắc Kinh có thể thấp hơn, nhưng họ có quyền chọn nhiều trường và những trường tốt hơn và có thể nhận được một nền giáo dục tốt hơn.”

Ðể tránh né điều mà nhiều người coi là cạnh tranh bất chính, một số phụ huynh đang có những biện pháp cực đoan.

Mới đây, giới truyền thông Trung Quốc đã tập trung vào vụ một sinh viên 17 tuổi rất nhiều hứa hẹn tên là Zhang Tu, sống ở Bắc Kinh nhưng có hộ khẩu ở tỉnh An Huy.

Cha của anh nhận ra rằng người ở ngoài thủ đô có thể đăng ký dự thi ở các trường trung học ít cạnh tranh hơn ở Bắc Kinh, còn gọi là ‘gaokao’, và như thế sẽ có cơ hội tốt hơn được vào các trường Ðại học Bắc Kinh.

Không còn hộ khẩu nữa?

Cải cách hộ khẩu từ lâu đã là một đề tài gây nhiều tranh cãi, với những đề xuất thường xuyên về các phương sách nới lỏng hộ khẩu và các dự án thử nghiệm đang được đề xuất ở một số thành phố như Thẩm Quyến, Quảng Châu, Thiên Tân và các thành phố khác.

Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vừa lên nắm quyền đã cam kết đưa 400 triệu người đến các thành phố trong thập niên sắp tới. Nhiều người trong các cơ quan cao nhất thiết lập chính sách, kể cả Quốc vụ Viện và uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã công khai khẳng định rằng cải cách hộ khẩu sẽ là điều thiết yếu để đạt được mục tiêu đó.

Ông Lu Jiehua nói bãi bỏ chế độ hộ khẩu là điều không thực tế vào thời điểm này, nhưng nói thêm rằng có thể quảng bá một số cải cách.

Ông nói: “Có thể trong nửa năm sắp tới, chúng ta sẽ thấy một số thành phố thực thi các quy định đặc biệt để cung cấp quyền lợi cho khối hàng triệu người di trú vào các thành phố Trung Quốc.”

Cách đây hai tuần, tuần san nhiều uy thế Cải Tiến đã đăng tải một kế hoạch để dần dà hủy bỏ chế độ hộ khẩu. Kế hoạch này do ông Kam Wing Chan khai triển; ông là người nghiên cứu về đô thị hóa ở Trung Quốc của Phân khoa Ðịa Lý trường Ðại học Washington. Một trong các bước đầu của “lộ đồ” do ông Chan vạch ra là cấp một hộ khẩu cho tất cả dân di trú có bằng đại học, bất kể xuất xứ của họ. Ông nói những chuyên gia trẻ tuổi sẽ thực sự đóng góp vào ngân sách của các thành phố lớn và không là một gánh nặng như một số người lập luận.

Nhiều người ở Trung Quốc vẫn tin rằng trước khi dành sự tiếp cận không phân biệt cho các thành phố, chính phủ cần phải tài trợ thích đáng cho các dịch vụ xã hội, như bảo hiểm y tế, lương hưu và gia cư công cộng.

Một số học gia tin rằng chỉ khi đó thì các thành phố của Trung Quốc mới có được hạ tầng cơ sở xã hội để hỗ trợ cho con số lớn những người từ bên ngoài thủ đô đi tìm việc với hy vọng xây dựng cuộc đời mình, bất chấp tuổi tác hay kỹ năng.

Theo VOA Tieng Viet

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: