1

Theo nghiên cứu do tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện cho Ngày Dân chủ của BBC, châu Âu có thể đối diện các chấn động chính trị trong năm 2015.

EIU là bộ phận chuyên nghiên cứu, khảo cứu thuộc nhóm the Economist, nhà xuất bản tạp chí cùng tên.

Nghiên cứu này nói các đảng theo xu hướng dân túy đang ngày càng được ưa chuộng nên có thể thắng cử và các đảng lớn chính thống có thể buộc phải hình thành những liên minh mà trước kia không thể tưởng tượng được.

EIU nói “khủng hoảng dân chủ” ở châu Âu chính là ở khoảng cách giữa cử tri và tầng lớp lãnh đạo.

Nghiên cứu nói thêm rằng có một “lỗ hổng lớn đúng trung tâm nền chính trị châu Âu, nơi cần có các ý tưởng lớn”.

Những yếu tố chính của hiện tượng này là tình trạng người tham gia bầu bán ngày càng ít và các đảng phái truyền thống ngày càng ít đảng viên.

‘Bất ổn’

Vương quốc Anh sẽ có bầu cử vào tháng Năm tới và theo nghiên cứu của EIU nước này có thể sẽ đi vào một thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài.

Khả năng bầu cử dẫn đến một chính phủ không ổn định, với đảng dân túy và cực hữu UK Independence Party (UKIP – Đảng Độc lập Anh quốc) có thể lấy phiếu của cả hai đảng truyền thống là Bảo thủ và Lao động.

Sẽ khó có một chính phủ do một đảng nắm dựa trên hiện diện đa số tại Quốc hội như xưa nay.

Tuy nhiên thách thức chính trị lớn nhất sẽ là ở Hy Lạp, quốc gia được cho là ví dụ cho thấy chủ nghĩa dân túy dẫn đến thắng lợi trong bầu cử như thế nào.

Hy Lạp sẽ có bầu cử bất thường ngày 25/1 sau khi Quốc hội không bầu chọn ra được tổng thổng mới vào tháng 12 năm ngoái.

Các trưng cầu dân ý cho thấy đảng Syriza xu hướng dân túy và cực tả có thể trở nên đảng mạnh nhất. Nếu đảng này thắng cử và có thể hình thành chính phủ thì điều này có thể gây chấn đông toàn Liên hiệp châu Âu và gây ảnh hưởng tới chính trị các nước khác, nhất là các nước chủ nợ của Hy Lạp.

Các nước khác chuẩn bị có bầu cử và kết quả khó đoán định là Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Đức và Ireland.

Theo EIU, “tâm lý chống chính phủ hiện đang dâng cao trong khu vực sử dụng đồng euro, cũng như EU, và nguy cơ bất ổn chính trị cũng như khủng hoảng là rất cao”.

Chống nhập cư, chống chính sách thắt lưng buộc bụng và quản lý của trung ương EU là các điểm đang được sử dụng trong vận động tranh cử của các đảng nhỏ.

‘Tăng biểu tình’

Những năm gần đây, biểu tình nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới.

EIU ước tính rằng các phong trào biểu tình lớn đang diễn ra ở hơn 90 quốc gia trong 5 năm qua. Các cuộc biểu tình thường do tầng lớp trẻ, có học, trung lưu, lãnh đạo. Những người này thường căm ghét các lãnh đạo chính trị hiện thời và ưa chuộng mạng xã hội hơn là các phương tiện vận động chính trị truyền thống.

Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ Latin là các nơi xảy ra nhiều biểu tình nhất. Châu Á và Bắc Mỹ có xảy ra nhưng ít hơn.

“Lý do của các cuộc biểu tình khác nhau – một số vì lý do kinh tế, số khác chống lại độc tài, một số khác nữa thì muốn tiếng nói của họ được giới lãnh đạo chính trị lắng nghe…”

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có đe dọa cho dân chủ hay chính là bằng chứng cho thấy nền dân chủ đang phát triển mạnh?

Nếu như nhìn vào Mùa xuân Ảrập và cho đó là khởi đầu của dân chủ ở một khu vực lâu nay thiếu vắng điều này, hiện người ta thấy không có thay đổi mấy về dân chủ mà chỉ có nhiều biến động.

Kết quả của phong trào dân chủ ở Hong Kong cũng còn chưa rõ ràng.

Tạ̣i Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, dân chủ kiểu Tây phương còn lâu mới thấy lấp ló cho dù người ta cũng đang tìm hiểu xem liệu với xu hướng dân chủ ở các nơi khác trogn châu Á và sự phát triển của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, Bắc Kinh có giữ mãi lập trường của mình được hay không.

Hiện giờ, các chính phủ và các nhà vận động chính trị chắc chắn đang theo dõi xem các nền dân chủ truyền thống chống chọi ra sao với các thử thách mới.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: