Đại hội đồng LHQ lần thứ 68 vừa nhóm họp tại New York, Hoa Kỳ

Với rất nhiều Tổng thống và Thủ tướng lên phát biểu, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) có thể khiến người ta có cảm giác như một buổi trình diễn tạp kỹ ngoại giao.

Ít nhất 131 nhà lãnh đạo đang hội tụ tại Turtle Bay ở New York, trụ sở chính của LHQ.

Tất cả sẽ có cơ hội phát biểu, từ nguyên thủ một số quốc gia giàu nhất và lớn nhất thế giới như Mỹ và Ấn Độ, tới các nước bé nhỏ nhủ Cape Verde và Bhutan. Chiều dài đoàn xe hộ tống thường chính là thước đo sức mạnh của mỗi nước.

Hầu hết cả năm mọi hoạt động – và cả việc không có hành động gì – của LHQ đều tập trung vào Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên. Trong thời gian diễn ra Đại hội đồng LHQ thì tất cả 193 thành viên đều có tiếng nói.

Nói là như vậy nhưng chính sách ngoại giao quan trọng lại thường xảy ra không phải tại chính phòng họp Đại hội đồng LHQ mà là ở những cuộc họp tay đôi bên lề mà như các nhà ngoại giao vẫn gọi là song phương – hoặc tại các cuộc họp nhỏ.

Năm nay, hội trường chính không hoành tráng lắm. Hội trường Đại hội đồng LHQ, khán thính phòng khổng lồ với bục phát biểu bằng đá cẩm thạch và khung cảnh quen thuộc đằng sau đang được sửa sang.

Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon

Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon, phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ lần thứ 68

Đây là lần họp thứ 68 của Đại hội đồng LHQ, vẫn được gọi tắt là UNGA.

Hồi tháng trước đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao từ nhóm G20 tại St Petersburg tới một khách sạn ở Geneva, Thụy Sĩ, từ Whitehall ở London tới Paris.

Tuần này những hoạt động đó sẽ tiếp tục diễn ra tại tòa nhà vốn được thiết kế làm nơi hội tụ giới ngoại giao quốc tế và ở cả trong các khách sạn và các phái đoàn của các nước ở gần khu vực này.

Nó có thể sẽ là một trong những lần tụ họp có ý nghĩa và nhiều sự kiện nhất trong vài thập niên qua, trong bối cảnh có thể có những khai thông quan trọng về Iran và Syria.

Iran

Một số nhân vật vẫn thường xuất hiện nay thiếu vắng, và phải kể tới cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad. Những phát biểu gay gắt của ông nhắm vào Hoa Kỳ và Israel thường khiến nhiều thành viên các đoàn đồng loạt bỏ ra ngoài.

Nhưng người kế nhiệm ông, tân Tổng thống Hassan Rouhani, sẽ được chú ý nhiều.

Ông tới với một thông điệp khác hẳn: kêu gọi “tham gia một cách thận trọng” với phương Tây và mong muốn đưa ra “hình ảnh thực sự về Iran”, những từ ngữ mang tính chỉ trích đối với người tiền nhiệm của ông.

Tổng thống Rouhani của Iran tại LHQ

Tổng thống Rouhani của Iran có phát biểu tại Đại hội đồng LHQ với những lời lẽ hòa giải hơn

Rõ ràng ông Rouhani sẽ là nhân vật được chú ý hàng đầu và lời lẽ hòa giải trước khi tới dự UNGA của ông đã khiến tăng thêm đồn đoán rằng ông sẽ tiếp xúc với Tổng thống Mỹ ông Barack Obama.

Đã từng có những lần suýt chạm trán trước đây. Năm 1990 người ta nói tới chuyện ông Mohammad Khatami, một tân Tổng thống Iran với quan điểm cải cách, gặp gỡ Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton.

Nhưng khi hai ông suýt chạm trán nhau thì ông Khatami được nói là đã tránh bằng cách đi vào nhà vệ sinh. Rõ ràng là ông lo ngại những người theo đường lối cứng rắn tại Iran sẽ nhìn nhận ra sao về việc gặp gỡ với lãnh đạo của một nước của “Quỷ satan lớn”.

Thậm chí nếu hai vị Tổng thống không gặp nhau trực diện thì Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, có thể sẽ gặp Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif, tại các cuộc hội đàm vào thứ Năm, có sự tham dự của Anh, Đức, Nga và Trung Quốc.

Như thế thôi cũng là một cột mốc lịch sử. Ông Zarif hoàn tất bằng Tiến sĩ tại Hoa Kỳ và tách mình ra khỏi những lời lẽ hùng hồn phủ nhận nạn diệt chủng Do Thái của ông Ahmadinejad. Ông có vẻ là một người mà phương Tây có thể cùng làm việc.

Syria

Vào khi Đại hội đồng LHQ tụ họp, thành viên của Hội đồng Bảo an vẫn đang thảo luận một nghị quyết gìn giữ thỏa thuận bàn giao vũ khí hóa học được thương thuyết giữa Hoa Kỳ và Nga tại Geneva hồi đầu tháng này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Ngoại trưởng Mỹ và Nga là tác giả thỏa thuận với Syria về bàn giao vũ khí hóa học

Tác giả của thỏa thuận này, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đều đang có mặt tại New York và phĩa Mỹ ám chỉ rằng họ muốn thúc đẩy để Hội đồng Bảo an vốn bế tắc bấy lâu nay thông qua một nghị quyết có tính ràng buộc đối với Syria.

Những khác biệt vẫn còn xung quanh lời lẽ của nghị quyết này, và cuộc gặp của họ vào thứ Ba sẽ là có tính quyết định trong việc giải quyết các khác biệt đó. Các nhà ngoại giao tại LHQ nhận chỉ thị từ thủ đô của mình và đây là tuần lễ trong năm khi các sếp của họ có mặt tại chỗ.

Sudan

Một câu hỏi là liệu Tổng thống Sudan, ông Omar Hassan al-Bashir có thực hiện lời hứa của ông sẽ tới New York hay không.

Ông đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về các cáo trạng tội diệt chủng trong cuộc xung đột kéo dài một thập nhiên tại Darfur và có nhiều khả năng sẽ bị bắt giữ nếu ông đặt chân lên đất Mỹ.

Nhưng Hoa Kỳ buộc phải cấp visa cho bất cứ quan chức thế giới nào muốn dự các sự kiện của LHQ. Một yếu tố phức tạp khác là Hoa Kỳ không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế.

Ấn Độ – Pakistan

Mọi liên lạc giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Rouhani chắc chắn sẽ là hàng tin chính nhưng một cuộc gặp có thể diễn ra tại một khách sạn ở Manhattan giữa Thủ tướng Ấn Độ, ông Manmohan Singh, và tân Thủ tướng Pakistan, ông Nawaz Sharif, cũng đang được nhiều người tại Nam Á theo dõi chờ đợi.

Các cuộc hội đàm hòa bình giữa hai nước đã bị đình trệ trong hai năm qua và các cuộc đối thoại có thể sẽ giảm bớt căng thằng dọc Làn ranh giới kiểm soát chia cắt vùng Kashmir giữa hai quốc gia này.

Tuần trước, ông Sharif cho biết ông cam kết “tham gia trao đổi một cách xây dựng và bền vững” với Ấn Độ.

BBC

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: